Gần đây, tại khu vực Biển Đông Nam á, số vụ cướp biển xảy ra ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ hoạt động hàng hải cũng như sự phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. 

Cướp biển gia tăng đe dọa an toàn ở Đông Nam Á 

Theo thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, cướp biển là vấn nạn, đe dọa trực tiếp đến an ninh, an toàn trên biển, là mối quan tâm của nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. 

Cách nay mấy năm tàu Sunrise 689 của Việt Nam bị cướp hàng ngàn tấn dầu khi đang lưu hành ngoài khơi, đây là một dạng tội phạm mới có tổ chức, khác xa cướp biển Somalia. 

Ngày 14/6, tàu Ai Maru đăng ký tại Honduras chở 1.520 tấn dầu MGO chạy từ Singapore đến vịnh Thái Lan. Khi tới vùng biển phía Đông bán đảo Malaysia, Ai Maru bị 7 tên cướp đi 3 canô cao tốc bất ngờ tấn công. Mục tiêu chính của chúng là cướp 620 tấn dầu bơm sang một chiếc tàu nhỏ. Trên thị trường chợ đen, số dầu này trị giá khoảng 550.000 USD.

{keywords}
Lực lượng quân đội nước ngoài diễn tập chống cướp biển. Ảnh minh họa

Những vụ việc trên là những minh chứng cho thấy cướp biển ở Đông Nam Á đang lộng hành. Trong đó, vùng biển Indonesia trở thành một mục tiêu của bọn cướp bởi ở đây có nhiều tàu chở nhiên liệu.

Theo ghi nhận, cướp biển ở Đông Nam Á cũng không phải là dân làng chài nghèo như cướp biển Somalia - vốn sống không nổi với ngư trường bị tàu cá nước ngoài xâm chiếm.

Theo các chuyên gia, chúng là những công ty tội phạm có tổ chức, có mạng lưới gián điệp tinh vi, sở hữu đội tàu hàng riêng, khi ra tay có phối hợp nhịp nhàng với nhau từ khâu đánh cướp tới tiêu thụ hàng hóa.

Bởi vậy, nhiều quốc gia buộc phải sử dụng lực lượng hùng mạnh để chống cướp biển, cướp có vũ trang. Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc đã điều động nhiều tàu hiện đại chống hải tặc ở nhiều vùng biển như Somalia hay trên các vùng biển châu Á.

Việt Nam- quốc gia nằm trong khu vực này cũng phải ngoại lệ. Nhiều tàu hàng của Việt Nam cũng bị cướp biển tấn công, cướp tàu, cướp hàng bắt thủ thủ đoàn đòi tiền chuộc.

Trong bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân, bảo vệ các lực lượng thì chống cướp và cướp có vũ trang là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã quan tâm tổ chức huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ, huấn luyện cho từng kíp tàu, từng biên đội rất chặt chẽ, khi có tình huống là thực hiện được ngay. Mặc dù trang bị còn thô sơ nhưng Cảnh sát biển Việt Nam đã dũng cảm thể hiện trách nhiệm trong đảm bảo an ninh, an toàn trên biển. Một số vụ chống cướp biển, cướp có vũ trang đã thành công, điển hình như vụ bắt gọn 11 tên cướp cướp tàu Rafiap (Malaysia).

Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng thiết lập với lực lượng cảnh sát biển các nước châu Á Thái Bình Dương, một trung tâm RECCAP để chống, cướp và cướp có vũ trang để chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á. Như vụ tàu Zafirah năm 2012 cũng là từ thông tin trung tâm RECCAP của cảnh sát biển thì chúng tôi nắm được và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoặc tàu SUNRISE 689 vừa qua cũng từ trung tâm này và phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển xung quanh để thực hiện thắng lợi và thu được nhiều kết quả tốt và được trên đánh giá rất cao.

Mô hình tuần tra chung

Một bài viết của Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM đề cập tới tính khả thi của một lực lượng tuần tra chung tại biển Đông dựa trên hai mô hình Sáng kiến Tuần tra eo Malacca (MSSI) và Lực lượng chống cướp biển ở Somalia (CMF).

Theo đó, đối với Việt Nam, một mô hình tuần tra chung theo kiểu MSSI sẽ là một lựa chọn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Cơ chế hiện nay trong hợp tác đa phương ở ASEAN vẫn là đồng thuận, và tuần tra chung cũng không phải ngoại lệ. MSSI sở hữu những đặc trưng phù hợp như tham vấn đa bên, các nhiệm vụ được chia sẻ với nhau tuỳ theo năng lực, lãnh đạo luân phiên và giới hạn trong một khu vực địa lý cụ thể.

Tuy nhiên, để có thể tạo ra được một cơ chế tuần tra chung hiệu quả và đạt được lợi ích thông qua cơ chế đó, Việt Nam phải là người đi tiên phong. Tiên phong trong việc thuyết phục các nước ASEAN khác tham gia vào sáng kiến, cũng như là người tiên phong trong việc thiết lập cơ chế và lộ trình cụ thể nhằm tiến tới hiện thực hoá sáng kiến tuần tra chung. Phải làm cho các nước thấy rõ được lợi ích của họ nằm trong chính hoạt động này: trước hết là đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, nguồn lợi tài nguyên; sau đó là nâng cao năng lực biển và tăng cường hợp tác nội khối.

Nhưng do tính đặc thù của khu vực Biển Đông hiện nay, ông Phương cũng nhấn mạnh, đề xuất này chỉ có thể khả thi nếu như cả Mỹ, Trung Quốc và ASEAN làm việc một cách nghiêm túc về mục tiêu, phạm vi, cách thức và vai trò của từng chủ thể trong tuần tra chung, tạo cân bằng giữa các lợi ích.

Minh Thành - Lan Hương