Chiều 23/1, phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trần Hùng (cựu phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng Cục QLTT) cùng 17 bị cáo khác trong vụ buôn bán sách giáo khoa giả tiếp tục với phần tranh luận.

Bào chữa cho bị cáo Trần Hùng, luật sư Lê Thanh Sơn trích bút lục lời khai của các bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), Lê Việt Phương (cựu Phó đội trưởng Đội QLTT 17), Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty CP In Hà Nội) để dẫn chứng rằng, hồ sơ vụ án đã thể hiện một bức tranh “dương bản” của nhóm tội danh môi giới, đưa, nhận hối lộ nhằm không xử lý hình sự vụ sản xuất mua bán hàng giả là sách giáo khoa tại Công ty Phú Hưng Phát.

Theo luật sư, toàn bộ những gì diễn ra trong hồ sơ vụ án để kết tội ông Trần Hùng chỉ là bức tranh “âm bản”. “Người hết mình chống hàng giả, muốn xử lý hình sự vụ việc thì bị bắt và buộc tội nhận hối lộ, còn những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án này chưa được làm rõ”, lời luật sư Lê Thanh Sơn.

tran-hung-phuc-tham-1.png
Bị cáo Trần Hùng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CTV

Luật sư Lê Thanh Sơn đặt ra vấn đề bỏ lọt tội phạm và cho rằng thân chủ của mình không có vai trò gì trong quá trình xử lý vi phạm vụ sản xuất, mua bán hàng giả ở Công ty Phú Hưng Phát.

Luật sư đề nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Trần Hùng, chuyển sang biện pháp ngăn chặn là cấm di chuyển khỏi nơi cư trú để phục vụ việc điều tra và xét xử lại vụ án.

Cùng bào chữa cho bị cáo Trần Hùng, một luật sư khác đưa ra quan điểm: Sau 3 lần trả hồ sơ, 2 lần ban hành cáo trạng truy tố nhưng ông Trần Hùng vẫn bị buộc tội mà không có bất kì chứng cứ nào. Toàn bộ lời khai mâu thuẫn hoàn toàn với chứng cứ vật chất mà luật sư thu thập được. 

Theo luật sư, không có chứng cứ trực tiếp về việc ông Trần Hùng nhận 300 triệu đồng từ Nguyễn Duy Hải; không có người làm chứng về việc đưa nhận tiền; không có sự phù hợp giữa những lời khai của Nguyễn Duy Hải với nhau và với những chứng cứ khác…

“Không có bất kỳ một chứng cứ trực tiếp nào chứng minh Trần Hùng đồng ý nhận hoặc đã nhận 300 triệu của Cao Thị Minh Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải. Cũng không một ai nhìn thấy Nguyễn Duy Hải mang túi nilon đen chứa 300 triệu đồng đến phòng làm việc của Trần Hùng”, lời luật sư.

Trong phần tranh luận, bị cáo Trần Hùng trình bày về việc có phạm nhân tên Nguyễn Trung Kiên nằm cùng buồng giam với Nguyễn Duy Hải, nghe Hải kể về việc không đưa được 300 triệu đồng cho Trần Hùng. Phạm nhân này sau khi chung buồng giam với Nguyễn Duy Hải đã được bố trí ở chung buồng giam với ông Trần Hùng cùng nhiều người khác.

Theo bị cáo Hùng, phạm nhân tên Kiên sẵn sàng ra tòa làm chứng nếu được triệu tập. Tiếp đó, các luật sư giao nộp văn bản về câu chuyện trên được nhiều người cùng buồng giam ký xác nhận. 

Đối đáp tại tòa, đại diện VKS cho rằng tài liệu mà bị cáo Trần Hùng và luật sư cung cấp (bản khai của một người cùng buồng giam với Nguyễn Duy Hải) không được coi là nguồn chứng cứ vì không có xác nhận của trại giam.