Sau khi bị TAND Cấp cao tại TP.HCM bác đơn kháng cáo kêu oan, giữ nguyên mức án 6 năm tù, mới đây cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đã có đơn đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Trong đơn ông Tuấn trình bày, người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) là cá nhân được UBND TP.HCM bổ nhiệm vào Hội đồng thành viên SAGRI, là người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.
Còn bản thân ông là Giám đốc Sở Xây dựng, được phân công làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định chuyển nhượng dự án bất động sản, không được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại SAGRI nên không thể là chủ thể của tội này.
"Việc tôi làm đơn đề nghị xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm không phải là tôi cố chấp để bảo vệ cái sai, chối bỏ trách nhiệm. Với tất cả sự thật khách quan của vụ án và những quy định của pháp luật liên quan giải quyết vụ án này, tôi thật sự bị oan", ông Tuấn viết trong đơn.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng tòa án sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ lời khai của ông trong quá trình điều tra để giải quyết vụ án là không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù thừa nhận đã ký vào tờ trình báo cáo UBND TP.HCM và đề xuất UBND TP.HCM chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM) cho Tổng Công ty Phong Phú, nhưng ông Tuấn vẫn một mực kêu oan.
Theo bản án phúc thẩm, dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Biết rõ như vậy, nhưng khi dự án mới xây được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi nhận được tờ trình của ông Trần Trọng Tuấn và thuộc cấp, ông Trần Vĩnh Tuyến vẫn ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trên cho Tổng Công ty Phong Phú.
Quyết định này của ông Trần Vĩnh Tuyến đã tạo điều kiện để ông Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.