Sáng 21/7, tại phiên tòa xét xử, đến phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án với bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường) và 35 bị cáo khác.

Ông Hùng bị truy tố về tội Nhận hối lộ trong vụ phát hiện, thu giữ 27.000 quyển sách giáo khoa giả.

Bị cán Trần Hùng tại tòa. Ảnh T.H.

Theo đại diện VKS, ông Hùng không thừa nhận việc nhận hối lộ. Tuy nhiên, căn cứ thực nghiệm, tài liệu liên quan, bị cáo Trần Hùng phải chịu trách nhiệm về việc đã nhận hối lộ 300 triệu đồng. Đại diện VKS đánh giá hành vi các bị cáo là rất nghiêm trọng cho xã hội.

Từ những căn cứ nêu trên, VKS đề nghị mức án với bị cáo Trần Hùng từ 9-10 năm tù về tội Nhận hối lộ. Bên cạnh đó, bị cáo Hùng còn phải nộp trả lại ngân sách 300 triệu đồng.

Còn bị cáo Cao Thị Minh Thuận bị đề nghị mức án từ 11-12 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Bị cáo Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17) bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đề nghị mức án 1 năm 11 tháng, bằng thời hạn tạm giam, trả tự do tại tòa về tội Môi giới hối lộ.

Trước đó, theo điều tra, ngày 10/7/2020, sau khi bị lực lượng chức năng phát hiện kho sách giả, Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) đã liên hệ với ông Trần Hùng nhờ bỏ qua vụ việc.

Ngày 14/7/2020, Nguyễn Duy Hải (lao động tự do, người được Thuận nhờ đưa 300 triệu đồng cho ông Trần Hùng) cầm tiền đến phòng làm việc của ông Hùng để xin bỏ qua vụ việc.

Đến khoảng 11h30 cùng ngày, Hải cầm túi nilon đựng tiền đến phòng làm việc của Trần Hùng. Tại đây, bị cáo Hải gọi cho Thuận, nói đang ở phòng làm việc của ông Hùng.

VKS kết luận, Hải mang tiền đưa cho Trần Hùng. Ngoài ra, ông Hùng còn gọi điện nói với Lê Việt Phương (nguyên Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 17) tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính.