Thông tin từ TAND TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 13-11, Phạm Hải Bằng cùng 5 bị cáo liên quan đều đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gửi tới cấp tòa vừa xét xử sơ thẩm. Hiện Tòa án Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để chuyển lên Tòa án cấp cao xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Như ANTĐ thông tin, sau 2 ngày xét xử (26 và 27-10), TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Hải Bằng (SN 1969) - nguyên Phó Giám BQL Dự án đường sắt (RPMU) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cũng tội danh này, Nguyễn Nam Thái (SN 1977) - cựu Trưởng phòng Dự án 3 (RPMU) phải nhận 11 năm tù và Phạm Quang Duy (SN 1975) - nguyên Phó Giám đốc RPMU bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù.

{keywords}
Cựu quan chức đường sắt hầu tòa ngày 26/10

Với nhóm cựu cán bộ dự án đường sắt giữ chức vụ cao hơn, Trần Văn Lục (SN 1958) - nguyên Giám đốc RPMU bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và Trần Quốc Đông (SN 1964) - nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962) - nguyên Giám đốc RPMU cùng phải lĩnh mức án bằng nhau là 7 năm 6 tháng tù. Ngoài bị phạt tù, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội còn tuyên truy thu và tịch thu sung công quỹ Nhà nước toàn bộ số tiền 11 tỷ đồng mà Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm đã bắt ép liên danh các nhà thầu tư vấn phải “bôi trơn”.

Sau phiên tòa sơ thẩm, cho rằng mức án phải nhận là quá nghiêm khắc nên Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm lần lượt có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Lý do viết trong đơn kháng cáo đều thể hiện, các bị cáo mới phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, nhận thức được sai phạm, thái độ khai báo thành khẩn, có ý thức khắc phục hậu quả, bản thân đã có nhiều cống hiến trong hoạt động của ngành đường sắt.

Hơn nữa, số tiền các bị cáo nhận hỗ trợ từ đại diện các nhà thầu không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án và phần lớn đều được chi phí, sử dụng cho việc triển khai thực hiện dự án hoặc sử dụng chung cho tập thể… Được biết, TAND TP Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chuyển lên Tòa án cấp cao để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Quá trình xét xử sơ thẩm đã làm rõ từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, Phạm Hải Bằng với chức vụ là chủ nhiệm dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 01), giai đoạn 1” đã trực tiếp thỏa thuận với đại diện các nhà thầu là Công ty Tư vấn thiết kế giao thông Nhật Bản (JTC) yêu cầu họ phải hỗ trợ kinh phí cho RPMU sử dụng vào mục đích liên quan đến thực hiện dự án và đã được các nhà thầu chấp thuận. Hồ sơ vụ án cùng lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy, tổng số tiền mà đại diện nhà thầu JTC chuyển cho Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm là hơn 11 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền này sau đó được các bị cáo sử dụng chi phí cho lễ ký kết hợp đồng, chi tiếp khách, hội họp, đi lại, lễ Tết, làm ngoài giờ… Cấp tòa sơ thẩm khẳng định, hành vi của các bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật. Các bị cáo vì vụ lợi tập thể, trong đó có lợi ích cá nhân đã cố tình làm trái công vụ được giao.

Các bị cáo không thực hiện nghiêm túc hợp đồng, chưa kiểm soát chất lượng công trình, chứng từ và còn ký thanh toán cho nhà thầu vượt mức khối lượng công việc thực hiện. Hậu quả của vụ án không chỉ ảnh hưởng xấu tới việc tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn ODA từ phía Nhật Bản mà còn làm cho tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi không biết đến khi nào mới được tiếp tục triển khai và hoàn thành.

Theo ANTĐ