Các bác sĩ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai vừa cứu sống ca bệnh đặc biệt là nam thanh niên mới 25 tuổi nhờ áp dụng hàng loạt kỹ thuật cao.

TS Nguyễn Hữu Quân, khoa Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhân Hồ Huy Cường có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh nhân làm nghề lái tàu biển.

Ngày 8/2 (27 Tết), khi đang nằm nghỉ tại nhà trọ, anh đột ngột bị ngừng tim, ngừng tuần hoàn. Gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện K cấp cứu trong tình trạng đã ngừng tim với hy vọng sống vô cùng mong manh.

Sau hơn 1 giờ được các bác sĩ cấp cứu, ép tim liên tục, sốc điện nhiều lần, nhịp tim của bệnh nhân đã được tái lập nhưng vẫn hôn mê rất sâu, huyết áp không đo được, các chỉ số sinh tồn vô cùng xấu.

{keywords}

PGS.TS Nguyễn Văn Chi khám lại sức khoẻ cho bệnh nhân sau khi qua cơn nguy kịch

Với phương châm còn nước còn tát, ngay lập tức các bác sĩ cấp cứu của Bệnh viện K đã hội chẩn qua điện thoại với PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9, quyết định chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù nhịp tim đã được tái lập nhưng tình trạng bệnh nhân rất nặng: Hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm (dưới 3 là chết não), toan chuyển hóa nặng, đồng tử giãn hoàn toàn, huyết áp tụt không đo được, tình trạng sốc nặng.

Bệnh nhân được thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, đặt dụng cụ theo dõi huyết động nhưng không tiến triển.

Xác định đây là ca bệnh rất nặng, bác sĩ khoa Cấp cứu A9 liên tục hội chẩn. PGS Chi đánh giá, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải cứu được não, giải quyết toan hóa, suy đa phủ tạng, sốc không hồi phục.

“Tim bệnh nhân đã đập trở lại nhưng não không cứu được thì bệnh nhân sẽ sống thực vật suốt đời”, PGS Chi phân tích.

Các bác sĩ quyết định hạ thân nhiệt cho bệnh nhân để bảo vệ não, đồng thời phối hợp hàng loạt kỹ thuật cao khác như lọc máu hấp phụ, kiểm soát huyết động, thở máy kỹ thuật cao, kiểm soát toan kiềm… Đây đều là những kỹ thuật đã được Bệnh viện Bạch Mai triển khai nhiều năm nay.

{keywords}

Bệnh nhân cảm ơn bác sĩ ngày xuất viện 

Sau 3 ngày, bệnh nhân được ngừng kỹ thuật hạ thân nhiệt, giảm và cắt thuốc an thần, giãn cơ, các dấu hiệu sinh tồn bắt đầu cải thiện, tình trạng toan hóa, tổn thương phủ tạng giảm dần, ý thức hồi phục dần.

Bước sang ngày thứ 5 sau can thiệp, bệnh nhân được rút nội khí quản thành công, tự thở tốt, giao tiếp được, ngày thứ 8 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn về ý thức và vận động, bệnh nhân tự đi lại và giao tiếp bình thường.

Khi sức khoẻ đã ổn, bệnh nhân được chuyển sang chuyên khoa tim mạch để tiếp tục tìm căn nguyên ngừng tuần hoàn, phòng ngừa nguy cơ tái phát.

Theo PGS Chi, nếu không sử dụng phối hợp nhiều kỹ thuật cao, tiên lượng bệnh nhân vô cùng khó khăn, ít có cơ hội được cứu sống. Hiện tại, bệnh nhân đã khoẻ mạnh và được xuất viện.

Thúy Hạnh

Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly

Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly

Em bé mắc bệnh bại não nên các cơ hô hấp yếu, lại có tiền sử viêm phế quản. Nếu chỉ cấp cứu muộn một vài phút, bệnh nhi sẽ có khả năng tử vong rất lớn.