Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Việc đảm bảo quyền tiếp cận chăm sóc y tế chất lượng cao cho phụ nữ và trẻ em không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của họ mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Theo số liệu thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 13 triệu phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh (45-69 tuổi). Một khảo sát trên 1.100 phụ nữ mãn kinh tại Việt Nam cho thấy họ thường gặp các rối loạn: bốc hỏa (gần 40%); hồi hộp (gần 63%); chóng mặt (61%); rối loạn giấc ngủ (62%); vã mồ hôi ban đêm (20%). Cảm giác mệt mỏi, bực bội vô cớ (hơn 69%); hay buồn chán (gần 47%); hay quên (gần 85%); hay lạnh bàn chân, bàn tay (16%); khó tập trung (58%); dễ cáu gắt (52%); nhức đầu (72%); ngủ kém về đêm (61%); đau lưng (68%); đau khớp (gần 66%); đau nhức tay chân (gần 71%)…

Tại hội thảo nhân ngày Mãn kinh thế giới (18/10), chia sẻ về các vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, suy giảm nội tiết dẫn đến tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình sinh lý trong cuộc đời phụ nữ hay bị bỏ qua, thiếu sự quan tâm. Thậm chí, ngay trong giới y tế, nhiều thầy thuốc cũng không tìm hiểu kỹ về sức khỏe của phụ nữ độ tuổi này. Tuy nhiên, vấn đề sinh lý tự nhiên trên gây ra nhiều bệnh lý. 

462537647_1510772999803323_3974645627644208181_n.jpg
Ông Đinh Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hạnh, Phó trưởng khoa Phụ nội tiết, Bệnh viện Sản Trung ương, cho hay một thống kê, gần một nửa số phụ nữ chưa có thông tin và không sẵn sàng về thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. 55% số người ước mình biết về tiền mãn kinh sớm hơn.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương có phòng khám về mãn kinh, tuy nhiên số lượng đến khám thấp. Trong đó, nhiều phụ nữ tuổi mãn kinh tự ý bổ sung nội tiết tố liều cao, ảnh ưởng tới nhiều vấn đề. 

Nếu được tư vấn, chăm sóc, dự phòng từ sớm các vấn đề sức khỏe liên quan tới mãn kinh gây ra giúp phụ nữ nhận biết được các thay đổi của cơ thể. Họ sẽ chủ động thay đổi lối sống, thói quen tích cực, áp dụng các giải pháp phù hợp để cải thiện sức khỏe và tâm lý giai đoạn này.

Ông Đinh Anh Tuấn cho biết, Bộ Y tế khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa - phòng khám và điều trị các bệnh lý cho phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh. Tập huấn, đào tạo bác sĩ sản và nội tiết tăng năng lực chẩn đoán, điều trị các vấn đề liên quan tới mãn kinh, tiền mãn kinh từ vấn đề thể dục, tâm lý, sử dụng thuốc.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đang cùng các chuyên gia đầu ngành xây dựng hướng dẫn quốc gia chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh bao gồm tổng quan chẩn đoán, điều trị và các biện pháp chuyên sâu. Hướng dẫn này sẽ trở thành "kim chỉ nam" cho các đơn vị xây dựng tài liệu đào tạo phát triển năng lực về lĩnh vực này. Các địa phương tăng cường  truyền thông giáo dục cho cộng đồng phụ nữ chủ động đến khám và điều trị.

Việc tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh là vấn đề cấp thiết. Trước đây, ngành y thường quan tâm sức khỏe phụ nữ ở góc độ làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình, phá thai. Thời gian tới ngành y sẽ quan tâm các bệnh lý do mãn kinh, từ dự phòng tới điều trị.

“Đã đến lúc phụ nữ phải chú ý nhiều hơn tới sức khỏe của chính mình, cần quan tâm cải thiện chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống, bổ sung vi chất, duy trì sức khỏe ở độ tuổi sau 35”, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em khuyến nghị.