Mưa lớn là ngập sâu

Người dân Đà Nẵng không quên hình ảnh thành phố trải qua trận ngập lụt lịch sử, nước dâng cao 1-2m làm 4 người chết, hơn 200.000 hộ dân bị mất điện vào tháng 10/2022.

Mới đây, trận mưa lớn chiều 13/10/2023, khiến hàng loạt tuyến phố trên địa bàn Đà Nẵng ngập sâu, có nơi gần 1m, hàng loạt xe bị chết máy, nhà dân bị nước tràn vào.

Trận ngập xảy đúng thời điểm giờ tan ca làm việc khiến người dân khổ sở tìm lối về nhà khi nhiều nơi bị “phong tỏa” bởi nước lớn. Ở vực rốn lũ Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), nước ngập sâu, có nơi hơn 1m, chính quyền phải khẩn trương sơ tán người dân trong đêm. Nhiều tài sản không kịp di dời bị chìm trong nước.

W-ngap-lut10-1.jpg
Đường trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh ngập sâu, người dân đẩy xe chết máy về nhà chiều 7/11

Mới đây, trận mưa kéo dài khoảng 2 tiếng xảy ra ngày 7/11, cũng khiến nhiều ở khu vực quận Liên Chiểu ngập cục bộ, riêng khu dân cư Mẹ Suốt chỉ trong 2 tháng họ phải chạy lũ 3 lần.

Chị Hồ Thị Tiên (21 tuổi, ngụ quận Liên Chiểu,) cho biết, hai năm trở lại đây, khi Đà Nẵng xuất hiện mưa lớn, chị rất lo lắng. Đợt mưa ngập ngày 10/10 và 7/11 vừa qua chị Tiên phải tốn tiền triệu để sửa xe máy hư hỏng vì bị ngập.

“Đà Nẵng thời gian qua rất dễ ngập, hễ có mưa lớn là nước dâng rất nhanh, người dân khổ sở đi lại.  Bây giờ thấy trời mưa lớn là lo lắm, không biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu”, chị Tiên lo lắng.

w dsc07386 1 588.jpg
Hai năm qua, số tiền gia đình bà Liên làm ra không đủ sắm lại tài sản bị ngập hư hỏng

Bà Hồ Thị Minh Liên (47 tuổi, sống tại ngõ 74 đường Mẹ Suốt) mệt mỏi cho biết, hai năm qua, gia đình bà khổ sở theo lũ. Bà Liên kể, trận lũ vào tháng 10/2022 và tháng 10/2023, rất nhiều tài sản hư hỏng, phải mua lại.

“Cả nhà giờ làm ra cũng không đủ tiền mua sắm lại tài sản. Trước đây khu vực này cũng ngập cũng không đến mức lớn như vậy...”, bà Liên than khổ.

Nguyên nhân khiến Đà Nẵng liên tiếp bị ngập 

Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, qua rà soát, nguyên nhân gây tình trạng ngập lụt tại trên địa bàn thành phố gồm cả khách quan và chủ quan.

Theo sở này, hệ thống cống hiện trạng khu vực đô thị thành phố dài khoảng gần 1.800km và gần 30km kênh mương hở. 

Thời gian qua, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Thêm nữa, các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cường cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống.

Đáng chú ý, hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố. Phần lớn hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố được xây dựng từ lâu và hiện đã xuống cấp. Một số tuyến cống được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ bằng cống gạch vòm (sau này xây bằng đá hộc) đã bị sụt lở, tắc nghẽn, một số đoạn rất hạn chế khả năng thoát nước.

18 1694834775353388737949.jpg
Công nhân ở Đà Nẵng khơi thông cống thoát nước ngập rác

Bất cập nữa là số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý như khẩu độ nhỏ, cống hạ lưu nhỏ hơn thượng lưu. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn chồng chéo khi hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước làm giảm khả năng thoát nước.

Không những vậy, tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy, xe tải trọng nặng chạy lên vỉa hè gây hư hỏng các cấu kiện của hệ thống thoát nước.

Ngoài những nguyên nhân trên, Sở này cho biết thêm, hiện một số dự án, công trình thoát nước được bố trí vốn nhưng chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, một số công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên.

Về vận hành trạm bơm chống ngập khi mưa lớn, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, khi xảy ra mưa lớn, cần vận hành máy bơm thì nguồn điện tại các trạm không được ổn định. Nguồn điện tại các trạm bơm chống ngập chưa được ổn định, vẫn còn tình trạng cúp điện khi đang xảy ra mưa lớn (mặc dù hiện nay các trạm bơm chống ngập là khu vực ưu tiên về nguồn điện).

W-z4857174119189-5c49bb1853f747fde4cc6162d05b6329-1.jpg
Đường phố Đà Nẵng ngập sâu khi mưa lớn

Bên cạnh đó, số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị chuyên dùng trang bị cho Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải để phục vụ duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước đô thị còn hạn chế, một số được sử dụng lâu nên hiệu suất giảm. 

Có nguyên nhân, một bộ phận không nhỏ người dân còn tình trạng xả rác xuống cống thoát nước hoặc tự ý che đậy, cải tạo làm lấp các cửa thu nước, làm giảm khả năng thu nước…

Sẽ không tái diễn ngập khắp nơi?

Theo Sở Xây dựng, để giải quyết bài toán “mưa là ngập”, hiện nay thành phố đang triển khai chuẩn bị đầu tư và thi công các dự án thoát nước, xử lý ngập úng.

Trong đó, các dự án đang triển khai như tuyến cống liên phường Xuân Hà (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến kênh Phú Lộc) và tuyến cống liên phường Tam Thuận (đoàn từ hồ Vĩnh Trung đến Vịnh Đà Nẵng), dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2024.

Tuyến kênh từ Khu công nghiệp Hòa Khánh ra sông Cu Đê, vừa mới thi công hoàn thành. Các tuyến cống chuyển nước mưa từ phía biển về hướng sông Hàn (lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến tỉnh Quảng Nam), dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

w don lu 1 579.jpg
Người dân khu rốn lũ Mẹ Suốt trải qua 3 đợt ngập trong thời gian hai tháng

Thành phố cũng đang thực hiện các dự án gồm tuyến đường Trục I Tây Bắc (đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến nút giao Quốc lộ 1A), tuyến đường Nguyễn An Ninh nối dài (đoạn từ đường sắt đến Quốc lộ 1A), tuyến cống thoát nước chính nối từ nút giao đường số 2 Khu Công nghiệp Hòa Khánh - Quốc lộ 1A đến hồ Bàu Sấu...

Ngoài những dự án trên, có nhiều dự án tiếp tục được chuẩn bị đầu tư gồm dự án xử lý thoát nước khu vực xung quanh Sân bay Đà Nẵng. Xây dựng cầu trên đường Nguyễn Nhàn tại vị trí qua kênh Phong Bắc (cải tạo phương án thoát nước do nút thắt tại khu vực này).

Nạo vét, nâng cấp cải tạo hồ điều tiết khu vực thượng lưu tuyến kênh thoát nước Phần Lăng; xử lý ngập úng khu vực đường Lê Tấn Trung và vùng lân cận; cải tạo các tuyến cống thoát nước khu vực nội thành (đường Hùng Vương - Lý Thái Tổ, Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh - Lê Lợi); tuyến cống thoát nước Khe Cạn (nhánh số 2)...