“Cò đất” tung hoành
Có rất nhiều lý do khiến đất ở Đà Nẵng tăng phi mã rồi tụt dốc không phanh, mà lý do đầu tiên là “cò đất”. Chính đối tượng này đã tạo ra thị trường ảo, đẩy giá đất lên cao, làm khách hàng lao đao trong việc mua bán.
Có ngày, giá đất tăng cao điểm lên đến 100 triệu đồng trên một lô nên khách hàng nóng lòng phải mua ngay để ôm đất bán kiếm lời, “cò đất” được thời tăng giá, đôn giá trị đất thành “bong bóng” vốn đang chực trờ vỡ.
Thị trường đất ở Đà Nẵng thời điểm năm 2016, một lô đất có diện tích khoảng 100m2 tại khu đô thị Hòa Xuân có giá từ 1-1,3 tỷ đồng, tại khu đô thị Phước Lý khoảng 400-500 triệu đồng, Golden Hills 500 triệu đồng.
Thị trường đất ở Đà Nẵng đang trong thời gian trầm lắng |
Cũng diện tích này, giá bán vào tháng 2 đã cao gấp 4-6 lần. Chẳng hạn, tại khu đô thị Hòa Xuân đang giao dịch giá 4 tỷ đồng, khu đô thị Phước Lý là 2,5-3 tỷ đồng, khu đô thị Golden Hills là 3 tỷ đồng. Riêng khu vực đất nền ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, 1m2 thời điểm tháng 2 lên đến 100-500 triệu đồng.
Nhưng đến nay, cơn sốt đất tại Đà Nẵng đã xuống dốc không phanh, rất nhiều cò đất tháo chạy, khiến thị trường bất động sản thành phố miền Trung này ảm đạm.
Nhiều người ôm mộng đổi đời đã vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng về để mua đất, khi “bong bóng” đất vỡ thì quay lại bán chịu lỗ để có tiền trả nợ cả lãi lẫn gốc tiền vay vốn.
Làm nghề môi giới bất động sản và đất nền các dự án, chị Hoàng Lan cho hay, “cò đất” tạo những chiếc bẫy để mọi người chui vào, khi đã ôm được một khối tiền lớn thì chúng bỏ chạy làm cho thị trường nhà đất Đà Nẵng giảm sút trầm trọng, nhiều người điêu đứng theo đất cát.
Mất niềm tin từ chủ đầu tư
Một lý do khác khiến giá nhà đất Đà Nẵng lao đao là việc nhiều chủ đầu tư không cam kết bàn giao dự án như đúng với hợp đồng đã ký kết, tạo nên tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng khi đi mua đất.
Gần đây nhất là vụ việc Bách Đạt An đơn phương chấm dứt hợp đồng với Hoàng Nhất Nam trong khi khách hàng đã đặt cọc theo tiến độ đến 95% giá trị lô đất tại các dự án KĐT Bách Đạt 1, 7B mở rộng Hera Complex Riverside nhưng vẫn chưa được ký công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vụ việc được đẩy lên cao trào khi hàng trăm người dân tập trung trước trụ sở Bách Đạt Corp ở số 42 Nguyễn Du (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đòi quyền lợi và làm đơn khiếu nại lên TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Đà Nẵng tháo dỡ những kios bất động sản trái phép (ảnh SGGP) |
Trước đó, một số dự án như Kim Long City (đối diện UBND quận Cẩm Lệ), Gaia City (sau lưng Cocobay) cũng không làm đúng với hợp đồng mua bán khi cam kết trong vòng 1 năm sẽ bàn giao, nhưng hiện tại đã gần 2 năm cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện.
Nhận thấy được quả “bong bóng” đất sắp vỡ, UBND thành phố Đà Nẵng đã có những biện pháp kịp thời để chấn chỉnh lại thị trường đất.
Cụ thể, các quận, huyện đã mạnh tay không việc tháo dỡ các kios bất động sản trái phép. Trong tháng 3 vừa qua, quận Ngũ Hành Sơn tháo dỡ hơn 400 kios, quận Sơn Trà khoảng 45 kios, quận Liên Chiểu 300 kios, tất cả những kios trên đều trái phép. Động thái đó giúp cho thị trường bất động sản ở Đà Nẵng giảm nhiệt rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định, những động thái vừa qua của Đà Nẵng là rất đáng hoan nghênh. Các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc trước những hành vi gây nhiễu loạn, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt khiến thị trường không phát triển lành mạnh.
Nhận định về bất động sản thời gian tới tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Đức, Tổng giám đốc công ty bất động sản Protech, cho hay: “Thị trường rất khó dự đoán. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào dù tài chính hay BĐS đều có quy luật. Dựa trên quy luật cung cầu thì thời gian tới có lẽ thị trường sẽ còn một đợt điều chỉnh giá nhẹ theo hướng tăng trong ngắn hạn, tuy nhiên 2 năm tới, điều cần thiết là phải có một nhịp điều chỉnh giảm của thị trường để đáp ứng giá cho người có nhu cầu ở thật tại địa phương.”
Công Sáng