- Trong lúc bạn tôi đi lao động xuất khẩu bên nước ngoài, chồng của bạn đã ngoại tình với một người phụ nữ khác, còn ngang nhiên ở ngay trong nhà, sử dụng đồ đạc, quần áo của bạn tôi. Quá bức xúc, bạn trở về nước và dẫn người đến đánh cảnh cáo người phụ nữ kia ngay giữa ngã tư phố. Sau đó, bạn bị đưa lên phường tạm giữ vì tội gây rối trật tự công cộng. Chồng của bạn còn đe dọa sẽ đưa việc này ra tòa. Xin hỏi luật sư, nếu người phụ nữ kia không có vấn đề gì, chỉ bị xây xước nhẹ thì bạn tôii có bị phạm vào tội gì không? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Bạn tôi đánh ghen vì không chịu được cảnh chồng ngoại tình (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Nếu hành vi đánh ghen gây thương tích.

Hành vi đánh ghen của người bạn đó nếu gây ra thương tích thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009, cụ thể như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: 

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; 

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; 

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; 

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; 

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; 

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. ". 

Như vậy, nếu như người bị hại giám định tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các điểm quy định tại khoản 1 nêu trên thì cô bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định: "Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự (BLHS) chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần thể chất". 

Nếu như hành vi của người vợ có đủ yếu tố cấu thành theo khoản 1 Điều 104 nêu trên thì chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Vì vậy trong trường hợp này, bạn của bạn nên thỏa thuận, thương lượng với phía bên bị hại. 

- Nếu không đủ yếu tố để cấu thành tội cố ý gây thương tích nêu trên thì hành vi của người đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

“5.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: 

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác”

Thứ hai: Hành vi đánh ghen nơi công cộng

Pháp luật hiện hành ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng. Hành vi ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật và cũng không phù hợp với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục ở nước ta. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể xử lý ở nhiều mức độ khác nhau như: Xử phạt hành chính hoặc xử lý bằng trách nhiệm hình sự.

Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi “đánh ghen" xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của những người có hành vi ngoại tình. Nếu người bị đánh ghen bị xâm phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm thì những người đánh ghen cũng có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 BLHS.

Ngoài ra, hành vi đánh ghen nơi công cộng, gây mất trật tự công cộng, làm ảnh hưởng tới sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, hoạt động xã hội, gây mất ổn định trật tự xã hội... thì những người đánh ghen cũng sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng, sẽ bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 245 BLHS.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc