Các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng máy quét não để phát hiện và tái dựng khuôn mặt chủ thể đang nghĩ tới, mở ra triển vọng về sự ra đời của phương pháp "đọc" trí não người trong tương lai.
Trong các thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đến từ 3 trường Đại học California, Đại học Yale và Đại học New York (Mỹ) đã cho những người tình nguyện chiêm ngưỡng 300 khuôn mặt, đồng thời dùng máy quét cộng hưởng từ (fMRI) ghi lại hoạt động não của họ.
Những người tình nguyện sau đó được cho quan sát 30 khuôn mặt mới. Nhóm nghiên cứu sử dụng các kiểu mẫu ghi được ban đầu để tạo ra 30 bức ảnh dựa vào kết quả quét não mới.
Mặc dù các hình ảnh tái dựng dựa vào 30 kết quả "đọc" não khá mờ, nhưng chúng gần đúng với những hình ảnh thực. Cụ thể là, tất cả các bức ảnh đều thể hiện đúng màu da, và 24/30 hình ảnh phục dựng nhận diện đúng sự tồn tại hoặc thiếu vắng nụ cười trên khuôn mặt.
Tuy nhiên, các kết quả "đọc" não tỏ ra kém hơn trong việc xác định giới tính hoặc màu sắc. Trong đó, chỉ khoảng 2/3 ảnh tái dựng nhận diện rõ được giới tính và 1/2 trong số chúng phản ánh chuẩn màu tóc.
Alan S. Cowen, một thành viên nhóm nghiên cứu, thừa nhận, công nghệ của họ vẫn cần được tiếp tục cải tiến sau các cuộc thử nghiệm diễn ra từ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên cố gắng tái dựng khuôn mặt từ ý nghĩ của con người.
Các chuyên gia hiện đang ứng dụng những mô hình tính toán phức tạp hơn để có kết quả "đọc" não tốt hơn. Theo nhà nghiên cứu Cowen, sau khi cải tiến, công nghệ có thể được ứng dụng để hiểu rõ hơn về các bệnh rối loạn tâm thần, ghi lại những giấc mơ và giúp giải quyết các vụ án.
Chẳng hạn như, chúng ta có thể thấy cách mọi người tri nhận các khuôn mặt phụ thuộc vào những rối loạn khác nhau như thế nào, kể cả chứng tự kỷ và sử dụng nó để hỗ trợ chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị.
Dẫu vậy, một thách thức hiện nay là, các bộ não khác nhau cho thấy sự khác biệt về hoạt động trước cùng một hình ảnh. Những hình ảnh tương đối mờ thu được trong nghiên cứu thực tế chỉ là kết quả tái dựng ý nghĩ của 6 người tình nguyện trong phòng thí nghiệm. Nếu nhìn vào kết quả "đọc" não của bất kỳ cá nhân nào, hình ảnh thu được sẽ kém đồng nhất hơn.
Ngoài ra, công nghệ hiện tại mới chỉ có thể "đọc" được vùng não đang hoạt động, và bất lực trước các ký ức ngủ yên. Điều đó đồng nghĩa, bạn cần phải để chủ thể mường tượng ra ký ức đó mới có thể "đọc" được nó. Do vậy, chúng ta hiện không cần phải lo lắng về việc ai đó có thể "xem trộm" ký ức hoặc trích lấy thông tin từ trí nhớ của mình. Viễn cảnh này nhiều khả năng chỉ có thể trở thành hiện thực trong 10 - 20 năm hoặc thậm chí 200 năm nữa.
Tuấn Anh (Theo Discovery)