Triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương trên địa bàn. 

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh ở các lĩnh vực này là rất nhiều, đòi hỏi công chức, viên chức của Sở phải nỗ lực nghiên cứu, áp dụng và hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.

tiep-can-phap-luat-1.jpg
Sở Công Thương Đắk Lắk có nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật  cho người dân trong lĩnh vực công thương. 

Một trong những thông tin mà cơ quan nhà nước phải cung cấp rộng rãi, công khai cho người dân được biết theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (Điều 17) là văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước.

Trong những năm qua, Sở Công Thương đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, cung cấp nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các hiệp định thương mại tự do (FTA), các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của ngành một cách kịp thời và thường xuyên.

Qua đó, góp phần giúp cho doanh nghiệp, người dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên để hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp thì cơ quan và các đơn vị thuộc Sở Công Thương phải bảo đảm các điều kiện để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật. 

Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Công đoàn ngành công thương, Hội Cơ khí tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở theo chức trách, nhiệm vụ được giao cần phát huy trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp ở lĩnh vực hoạt động của mình một cách kịp thời và hiệu quả. 

Với mong muốn các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực công thương được người dân, doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt và tuân thủ trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cũng như việc triển khai kịp thời và có hiệu quả những nội dung của đề án, Sở Công Thương Đắk Lắk xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

Thứ nhất, phối hợp rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Các phòng và đơn vị thuộc Sở chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở (việc tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành), chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin để đổi mới nội dung, phương thức thực hiện theo hướng Nhà nước thiết lập các điều kiện cần thiết cho người dân chủ động tiếp cận thông tin pháp luật.

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân. Xác định nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là việc làm thường xuyên, liên tục của những người làm công tác báo cáo viên pháp luật và công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn này được thông qua nhiều hình thức như lồng ghép trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; công tác xử lý vi phạm hành chính; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác tiếp nhận, trả kết quả khi giải quyết các thủ tục hành chính và thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước.

Thứ ba, cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật bằng các hình thức phù hợp. Tăng cường việc cung cấp thông tin, mở các chuyên mục về phổ biến, hướng dẫn thực hiện các qui định của pháp luật, giới thiệu các hiệp định thương mại tự do (FTA) trên Trang thông tin điện tử của Sở và một số nền tảng mạng xã hội…

Sở và các đơn vị trực thuộc chủ động bố trí nguồn lực, đầu tư cho các chương trình, đề án, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin pháp luật cho người dân được đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng và thuận lợi.

Thứ tư, nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các phòng chuyên môn, đơn vị có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả cung cấp thông tin theo yêu cầu. 

Bên cạnh đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Sở, đơn vị bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, đặc biệt trong hoạt động giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. 

Nguyễn Thị Thảo, Vũ Mai Hương, Đỗ Ngân Phương

Nguyễn Thảo và nhóm PV, BTV