Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng như bánh đa cua, bánh mì que, nem cua bể,... ở Hải Phòng còn có nhiều món ăn đường phố hấp dẫn không chỉ được người dân địa phương yêu thích mà “níu chân” cả du khách gần xa. Một trong số đó không thể không nhắc đến món bánh đúc tàu.

Bánh đúc tàu có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trải qua nhiều năm, món ăn được biến tấu, điều chỉnh lại công thức để phù hợp với khẩu vị của người Việt và dần trở thành thức quà vặt dân dã, ngon nức tiếng ở Hải Phòng.

{keywords}

Bánh đúc nóng - món ăn dân dã nhưng hương vị lạ miệng, thơm ngon “trứ danh” ở Hải Phòng (Ảnh: @eatwpeach)

Không giống với bánh đúc lạc ăn kèm tương bần hay bánh đúc nóng ăn cùng rau mùi, thịt băm mộc nhĩ, hành phi vàng và nước mắm chua ngọt, món bánh đúc tàu của người Hải Phòng lại có sự khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến hay thưởng thức.

Món ăn này gồm hai thành phần nguyên liệu chính là bánh đúc và nhân thịt mặn. Phần bánh được làm hoàn toàn từ bột gạo tẻ, nếu dính chút gạo nếp là hỏng ngay. Công đoạn chọn gạo cũng rất quan trọng. Gạo làm bánh phải ngon, hạt mẩy, không bị mối mọt hay để quá lâu ngày.

 {keywords}

Nguyên liệu làm bánh đúc nóng không cầu kỳ nhưng phải được chọn lọc kỹ càng (Ảnh: @eatwpeach)

Gạo ngâm vào nước cho nở đều, vớt ra, để ráo, trộn thêm ít muối rồi xay thành bột. Đem bột khuấy đều trong nước đến khi bột tan hết. Tiếp tục đặt xửng hấp vào trong nồi nước sôi, quét một lớp dầu để bánh khi chín dễ lấy ra.

Công đoạn đổ bánh đúc tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Người ta đổ bánh vào xửng hấp giống như tráng bánh cuốn nhưng lớp bột dày hơn, tầm 1cm. Chờ khoảng 7 - 8 phút rồi mở ra kiểm tra xem bánh đã chín chưa. Nếu bánh có độ dai, đàn hồi, màu trắng trong là đã chín. Lặp đi lặp lại công đoạn này cho đến khi hết bột. 

 {keywords}

Bánh chín thì đổ ra một chiếc khay lớn để bánh nguội bớt nhưng vẫn giữ được độ nóng hôi hổi khi tới tay thực khách, đảm bảo hương vị thơm ngon (Ảnh:@trangnhimtron)

Ngoài lớp bánh đúc mềm mịn, phần nhân mặn cũng được chế biến cầu kỳ để món ăn chuẩn vị, hấp dẫn mọi thực khách. Nhân bánh đúc tàu gồm các nguyên liệu là tôm, thịt, đu đủ, mộc nhĩ. Thịt được chọn từ phần ba chỉ, thái miếng vừa ăn. Tôm được sơ chế sạch, cắt râu, loại bỏ phần chỉ đen ở lưng cho đỡ hôi rồi đem rang cùng thịt đến khi các nguyên liệu se lại. Như vậy thịt và tôm ăn không bị ngấy, giòn bên ngoài và vẫn giữ được độ mềm nhất định bên trong.

Ngoài ra còn có mộc nhĩ thái sợi và đu đủ cắt hạt lựu. Đu đủ gọt vỏ, rửa sạch, rồi trần qua nước sôi. Người ta thường cho thêm chút bột điều vào trộn đều với đu đủ để nguyên liệu có màu sắc đẹp mắt, giống như màu của thịt và tôm chín đều. 

{keywords}

Nhân tôm thịt được đổ lên bề mặt lớp bánh đúc rồi phủ lớp giấy bóng lên trên để tránh bụi. Khi có khách, người ta thoăn thoắt cắt bánh đúc thành từng lát, xúc nhân rồi chan kèm nước mắm đủ vị (Ảnh: @eatwden)

 {keywords}

Phần nước mắm đủ vị chua cay mặn ngọt chan kèm bánh đúc tàu được ví như “linh hồn” món ăn, giúp nâng tầm hương vị cho thức quà vặt dân dã đất Cảng (Ảnh: @eatwden)

 {keywords}

Bánh đúc tàu khi đến tay khách ăn vẫn còn nóng hôi hổi. Độ nóng vừa phải càng khiến làm dậy mùi thơm của món ăn (Ảnh: @thaoofood_2020)

 {keywords}

Một bát bánh đúc tàu gồm có bánh đúc cắt nhỏ, thịt và tôm chín, đu đủ xắt hạt lựu, mộc nhĩ thái sợi, sau đó chan nước mắm giấm ớt (Ảnh: @bachuaviahe)

Chỉ với 10.000 đồng, thực khách sẽ được phục vụ một bát bánh đúc tàu trắng mềm, phủ đầy ắp các nguyên liệu ăn kèm gồm đu đủ thái hạt lựu, thịt, tôm rang, mộc nhĩ thái sợi, hành phi khô và nước mắm chan.

Bánh đúc tàu có màu trắng trong, mềm mịn, vị đậm đà, ăn như tan trong miệng. Xúc từng miếng bánh ngập mắm, thêm chút đu đủ, mộc nhĩ, thịt và tôm chiên giòn rồi thưởng thức, thực khách có thể cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon đặc biệt của món ăn. 

 {keywords}

Bánh đúc mềm mịn, thanh mát với thịt, tôm đậm đà và đu đủ, mộc nhĩ giòn giòn kết hợp với vị chua ngọt của mắm giấm khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi (Ảnh: @toccvangg)

{keywords} 

Tuỳ khẩu vị và sở thích, thực khách có thể cho thêm ớt để món ăn dậy hương vị và mùi thơm hơn (Ảnh: Vivufoods)

Chị Thủy (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng) bán bánh đúc tàu đã 3 năm. Trung bình mỗi buổi chiều tối, chị bán được khoảng 100 - 200 bát. Lúc cao điểm như cuối tuần hoặc sang mùa lạnh, gia đình chị phục vụ hết công suất được gần 400 bát/ngày.

“Bánh đúc tàu dễ ăn, hương vị lạ miệng mà giá lại bình dân nên trẻ con hay người lớn đều thích. Món này cũng không đòi hỏi phục vụ cầu kỳ, khách chỉ cần một chiếc ghế là ngồi ăn thoải mái. Buổi chiều tan tầm, học sinh sinh viên đi học về, người lớn tan làm nên ghé ăn rất đông. Có những ngày nhà mình chỉ bán vài tiếng là hết sạch bánh”, chị Thủy nói.

 {keywords}

Món bánh đúc tàu dân dã được bán ở vỉa hè, trên những gánh hàng rong hay trong các khu chợ truyền thống (Ảnh: @yenzozo)

Bạn Hải Châu (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) chia sẻ: “Bánh đúc tàu Hải Phòng có hương vị khác biệt so với các món bánh đúc khác, mà giá rẻ chỉ có 10.000 đồng nên ai cũng có thể thưởng thức. Dù đi học xa nhà nhưng mình vẫn thu xếp về quê đều đặn hàng tháng để được ăn thức quà bình dị này. Bánh đúc tàu ngon nhất là thưởng thức vào mùa đông, khi trời chuyển lạnh”.

Qua thời gian, bánh đúc tàu trở thành món ăn đường phố quen thuộc của bao thế hệ người con đất Cảng, ai đi đâu xa cũng nhớ về thức quà chiều gắn bó tuổi thơ. Bánh đúc tàu được bán chủ yếu vào buổi chiều tối. Khi tiết trời chuyển sang thu hoặc se lạnh của mùa đông, người Hải Phòng càng ưa chuộng món ăn dân dã này.

Nếu ghé thăm Hải Phòng, thực khách có thể thưởng thức bánh đúc tàu ở nhiều địa chỉ nổi tiếng như quán bánh đúc tàu Cát Dài, bánh đúc tàu Dư Hàng hay một số hàng bán bánh đúc tàu ngon ở chợ Lương Văn Can, chợ Cố Đạo, chợ Máy Đá hoặc hay trước cửa rạp Công Nhân,...

Phan Đậu