Quảng Ninh không chỉ được biết đến là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì khu vực miền Bắc với vịnh Hạ Long, đảo Cô Tô,… tuyệt đẹp mà còn thu hút đông đảo du khách ghé thăm mỗi năm nhờ nền ẩm thực phong phú, có nhiều đặc sản độc lạ, thơm ngon. Một trong số đó không thể không kể đến sá sùng – một loài hải sản đắt đỏ, mang giá trị dinh dưỡng cao.
Sá sùng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, tùy vùng miền như trùn biển (giun biển), sâm đất, đồn đột, địa sâm, giun biển. Tuy có vẻ ngoài kỳ dị nhưng sá sùng lại là đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, được giới sành ăn nhiệt tình săn đón.
Bề ngoài sá sùng có màu nâu đỏ, thoạt nhìn rất giống trùn đất nhưng kích thước lớn hơn và trên thân có nhiều sợi vân nhỏ li ti, bên trong ruột chứa toàn cát.
Loại sinh vật này thường ẩn náu dưới các khe cát, hang đá ở các vùng biển, có khi ở đáy biển sâu đến 30m. Bởi vậy, để săn bắt chúng, ngư dân địa phương thường canh lúc sáng sớm, khi thủy triều vừa rút.
“Sá sùng chỉ có thể thu hoạch khi mực nước biển xuống thấp, vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Để thu hoạch được sản vật này, người dân địa phương phải đi khi thủy triều rút bớt, thường là sáng sớm. Thậm chí, phải là những người có kinh nghiệm, dùng dụng cụ chuyên dụng mới bắt được sá sùng”, chị Đoan Trang – một người dân sống ở huyện Vân Đồn cho hay.
Sá sùng có hai loại là sá sùng tươi và sá sùng khô. Nếu sá sùng tươi có độ mềm, dai giòn, thường được chế biến thành các món ngon như xào su hào, nấu canh, nấu cháo,… thì sá sùng khô lại hấp dẫn bởi độ giòn rụm, có thể bảo quản và sử dụng trong thời gian dài.
Đặc biệt, sá sùng khô khi đem nướng có mùi thơm rất hấp dẫn, trở thành món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu và được nhiều người sành ăn nhận xét là ngon hơn cả mực nướng.
“Sá sùng tươi là loại ngon nhất, được nhiều người sành ăn lựa chọn. Nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm, biết cách chọn sá sùng ngon. Để chọn sá sùng tươi ngon, đạt chất lượng, cần lựa những con dậy mùi tanh của biển, thân dày, tròn và sạch cát”, chị Thu Phương, một người dân sống ở huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh chia sẻ.
Tuy sá sùng tươi được nhiều người yêu thích nhưng sá sùng khô lại dễ bảo quản và bảo quản được lâu, có thể vận chuyển tới nhiều tỉnh thành xa, phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của thực khách (Ảnh: Sá sùng QN, Vườn xanh của Hạ)
Tuy có vẻ ngoài kém hấp dẫn nhưng sá sùng lại có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đến 18 loại axit amin và 17 loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Theo Đông y, đặc sản này tốt cho sức khỏe nam giới, người bị hen suyễn, trẻ em bị còi xương,...
Mỗi cân sá sùng tươi có giá thành khoảng 300.000 – 400.000 đồng. Tuy nhiên, sá sùng khô lại có giá cao hơn nhiều lần, dao động từ 4-7 triệu đồng/kg (tùy loại).
“Trung bình cứ khoảng 10-12kg sá sùng tươi mới có thể thu được 1kg sá sùng khô. Sá sùng tươi sau khi khai thác về phải được rửa sạch cát, trụng qua nước sôi rồi sấy bằng bếp than cho nhanh khô mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ.
Mỗi mẻ sấy như vậy tốn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Cả quy trình từ lúc sơ chế đến khi ra thành phẩm đòi hỏi sự kỳ công nên sá sùng khô có giá đắt đỏ cũng là điều dễ hiểu”, chị Phương nói thêm.
Sá sùng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nên được giới sành ăn Việt nhiệt tình tìm mua (Ảnh: Phạm Ngọc Đông, Thu Mai)
Tuy được bán với giá thành cao nhưng sá sùng vẫn là đặc sản được nhiều thực khách săn đón, chấp nhận chi cả chỉ vàng để tìm mua.
Chị Ngô Thủy – chủ một nhà hàng tại TP. Hạ Long cho biết, sá sùng khô là nguyên liệu đắt đỏ song có vị ngọt thanh đặc trưng nên thường được sử dụng để chế biến các món có nước dùng như phở, bún,… thay thế cho bột ngọt, mì chính.
Sá sùng khô đem chiên hay nướng đều ngon, là món nhậu khoái khẩu được nhiều thực khách yêu thích (Ảnh: An Trang, Hoàng Xuân Trường)
Hiện nay, ngoài được bày bán và phục vụ thực khách thưởng thức trực tiếp tại nhiều quán ăn, nhà hàng ở Quảng Ninh, sá sùng còn được đóng gói, hút chân không, vận chuyển tới nhiều tỉnh thành khắp cả nước, trở thành thức quà đặc sản đắt đỏ được đông đảo du khách tìm mua về làm quà biếu tặng người thân, bạn bè.
Phan Đậu