Chỉ mất vài phút, chị Đàm Thị Hải ở Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chốt xong đơn dâu bi giá 50.000 đồng/kg và dâu nhỡ giá 100.000 đồng/kg. Mỗi loại dâu chị đặt mua 2kg để được miễn phí giao hàng.

“Loại quả này gia đình tôi ai cũng thích ăn. Song, trong Tết giá đắt đỏ nên mỗi lần tôi chỉ đặt 0,5kg hàng bi ve”, chị nói. Dịp này, dâu tây loại nào giá cũng rẻ, chị mạnh tay chốt mua vài cân mỗi lần. Theo đó, loại bi ve để xay sinh tố hoặc ăn với sữa chua, còn dâu cỡ nhỡ để chấm sữa đặc.

Vừa chốt đơn xong, chị Hải nhận được điện thoại của nhân viên hẹn 30 phút sau hàng sẽ được giao tới nơi cùng chính sách “bao đổi” nếu dâu bị dập hỏng. Trong Tết, mỗi lần mua chị phải đặt trước 1-2 ngày mới nhận được hàng.

W-dau-tay-1-1.jpg
Dâu tây Sơn La được rao bán đỏ chợ Hà Nội. Ảnh: Tâm An

Ở Hà Nội những ngày này, dâu tây – loại quả đặc sản của tỉnh Sơn La “nhuộm đỏ” từ chợ truyền thống tới “chợ mạng”. 

Đáng chú ý, thời điểm trước Tết Nguyên đán, dâu tây Sơn La có giá phổ biến từ 300.000-500.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Hàng loại A giá lên tới 600.000-750.000 đồng/kg, loại dâu đặc biệt giá gần 1 triệu đồng/kg.

Nay, loại đặc sản Sơn La này có giá siêu rẻ. Cụ thể, dâu tây loại đặc biệt giá giảm còn 200.000-250.000 đồng/kg; dâu cỡ lớn giá 150.000 đồng/kg; dâu nhỡ 100.000 đồng/kg; dâu bi giá 80.000 đồng/kg, hàng bi ve giá 50.000 đồng/kg.

Chị Phạm Thị Kiều bán trái cây online ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời điểm dâu tây Sơn La đầu mùa giá rất đắt đỏ. Chị gom đơn 3 ngày mới về một chuyến hàng khoảng 30-50kg tùy đơn khách đặt.

Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, dâu tây vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên giá siêu rẻ. Một tuần trở lại đây, ngày nào chị cũng về khoảng 2,5-3 tạ dâu tây các loại để trả đơn cho khách. 

Nói về giá dâu tây, theo chị Kiều, loại nào giá cũng rẻ. Ví như, dâu to chín đỏ mọng giá giờ chỉ 150.000 đồng/kg. Dâu bi ve giá 50.000-60.000 đồng/kg. Do giá rẻ, những quả dâu bị vết chị loại bỏ không bán, đăng facebook tặng cho khách.

“Từ sáng đến giờ tôi đã chốt được gần 400 đơn hàng mua dâu tây Sơn La”, chị Nguyễn Thị Nhung – nhân viên của chuỗi của hàng trái cây lớn tại Hà Nội chia sẻ. 

W-dau-tay-son-la-1-1.jpg
Vào chính vụ thu hoạch, có loại dâu tây giá chỉ vài chục nghìn 1kg. Ảnh: Tâm An

Chị Nhung cho biết, vào mùa dâu tây, hệ thống cửa hàng có tới vài nhân viên chia ca ngồi chốt đơn như chị. Bởi, có những hôm nhân viên ngồi chốt đơn đến 2 giờ sáng, lượng dâu tây bán ra lên tới 3-4 tấn/ngày.

“Giá rẻ nên các chị em đua nhau chốt đơn”, chị Nhung nói và cho biết, những ngày này rất ít khách đặt mua 1kg, đa phần mua từ 2-3kg mỗi đơn.

Ngày hôm qua, chỉ 1 lần rao bán dây tây cỡ nhỡ trên fanpage của cửa hàng với giá 190.000 đồng/4 hộp (500gram/hộp), cửa hàng chốt được 120 đơn hàng. Theo đó, ngoài khách đặt mua 1 set 4 hộp, một số khách còn mua 3-5 set. Các loại dâu khác nhân viên cũng chốt đơn "mỏi tay".

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quý ở Mai Sơn (Sơn La), cho biết mùa thu hoạch dâu tây từ tháng 11 kéo dài cho đến đầu tháng 4 năm sau. Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch dâu tây.

Đầu vụ, mỗi ngày HTX chỉ thu hoạch được vài tạ dâu chín. Nhưng vào chính vụ dâu chín rộ, HTX thu hái hơn chục tấn dâu mỗi ngày. Số lượng dâu này sẽ được phân phối cho các hệ thống cửa hàng trái cây, chợ đầu mối ở Hà Nội, thậm chí chuyển vào trong TP.HCM tiêu thụ, ông Nam cho hay.

Tại Sơn La, dâu tây được trồng chủ yếu ở Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn. Riêng huyện Mai Sơn, diện tích dâu lên đến 450 ha, năng suất trung bình ước đạt trên 12 tấn/ha, sản lượng khoảng 5.400 tấn. So với vụ năm 2022-2023, tăng gần 80% về diện tích và tăng trên 250% về sản lượng so. Do đó, dây tây đổ bộ thị trường, giá hạ nhiệt.