Trung Quốc đang ngày càng tiến về phía Tây, khi đưa ra hàng loạt đề nghị với các đối tác Châu Âu nhằm hiện thực chiến lược làm sống lại các tuyến đường tơ lụa của mình.

Sau khi ký thỏa thuận mua cảng Piraeus của Hy Lạp, nằm ở phía Tây Nam thủ đô Athens, Chủ tịch Tập đoàn Vận tải Đường biển Trung Quốc (COSCO) Xu Lirong đã phát biểu: “Hãy để tàu căng buồm và mang Bộ lông cừu vàng về đây”.

Bên cạnh truyền thuyết lãng mạn về các anh hùng Jason và Argonauts của Hy Lạp, “bộ lông cừu vàng” kiểu Trung Quốc (hợp đồng giữa COSCO với Hy Lạp) có giá trị không dưới 368,5 triệu Euro và một cam kết đầu tư 350 triệu Euro trong thập kỷ tới.

Trung Quốc đang ngày càng tiến về phía Tây, khi đưa ra hàng loạt đề nghị với các đối tác Châu Âu nhằm hiện thực chiến lược làm sống lại các tuyến đường tơ lụa của mình.

Dưới con mắt của Bắc Kinh, việc mua cảng Piraeus là một bước tiến lớn trong dự án “Một Vành đai Một Con đường”, một mạng lưới cơ sở hạ tầng và đầu tư với mục tiêu xây dựng “một cây cầu mới của tình hữu nghị và hợp tác”. Gần đây, Trung Quốc đang ngày càng mong muốn gắn kết các nền kinh tế năng động của hai đầu con đường tơ lụa, là khu vực Đông Á và Tây Âu.

{keywords}
Hy Lạp có thể là "cửa ngõ đến Châu Âu" của Trung Quốc.

Năm 2014, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng với vị trí chiến lược ở một đầu của con đường tơ lụa, Hy Lạp có thể là “cửa ngõ đến Châu Âu” của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược Địa Trung Hải của Trung Quốc thực tế đến đâu? Liệu Trung Quốc có thể theo đuổi “cuộc phiêu lưu Địa Trung Hải” và gia nhập thị trường Châu Âu trong khi vẫn duy trì cách tiếp cận “phủi tay” với những thách thức chính trị và an ninh, gây mất ổn định khu vực hay không?

Câu chuyện Piraeus của Trung Quốc

Cho đến nay, Piraeus là một câu chuyện thành công của Trung Quốc. Kể từ năm 2009, khi COSCO đạt được thỏa thuận vận hành một cảng hai container trong vòng 35 năm, số lượng container được vận chuyển đã tăng gấp năm lần và hoạt động kinh doanh tăng gấp ba lần, đặt nền tảng cho sự chuyển đổi từ một cảng thành trung tâm vận tải chính tại Địa Trung Hải. Trong năm 2014, các cảng Hy Lạp xử lý không dưới 16,8 triệu lượt hành khách và 3,6 triệu lượt container 20 foot.

Với việc mua cảng Piraeus, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường kết nối với các vành đai trên mặt đất của con đường tơ lụa, trải dài từ Trung Quốc đến Trung Âu qua Kazakhstan và Đông Âu. Gần đây, Bắc Kinh nhắm tới mục tiêu liên kết tất cả các nước dọc theo vành đai bằng một mạng lưới đường giao thông, đường sắt và đường ống phức tạp.

Các cảng mới được xây dựng ở Sri Lanka, Pakistan, Bangladesh, và Kenya đã tạo thành một phần của “chuỗi ngọc trai” trải dài từ bờ biển của Trung Quốc đại lục thông qua Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, vào biển Ả-rập và Vịnh Ba Tư. Các cảng này không chỉ hoạt động như các tiền đồn chiến lược dọc theo các Tuyến đường Hàng hải Chính (SLOC), mà còn cung cấp cơ sở xây dựng hệ thống đường sắt mới nối các cảng này với nội địa các quốc gia sở tại.

Chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc tại cảng Piraeus cũng tuân theo một logic tương tự. Sự phát triển thành công cảng Piraeus của COSCO đã tạo cơ sở cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kết nối với các phần khác của Châu Âu, từ Athens đến khu vực Balkan và Trung Âu.

Theo lời của Đại sứ Trung Quốc tại Hy Lạp Zou Xiaoli, lý do tồn tại của quan hệ hợp tác Trung Quốc – Hy Lạp là “nhằm xây dựng các tuyến đường tốc hành Trung Quốc – Châu Âu để kết nối con đường tơ lụa trên biển với con đường tơ lụa trên đất liền”. Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm sâu sắc trong việc đầu tư vào mạng lưới đường sắt quốc gia của Hy Lạp, và gần đây đã nảy ra ý tưởng mua cảng Thessaloniki, dự kiến sẽ được tư nhân hóa vào năm 2017.

Sự hồ hởi của Trung Quốc phản ánh một đất nước Hy Lạp khủng hoảng oằn lưng để đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, và nhu cầu tiền mặt ngắn hạn tuyệt vọng nhằm bù đắp cho tỷ lệ thất nghiệp 24,4% của quốc gia này.

Ngày 9/4, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos cho biết: “Tôi hy vọng rằng thỏa thuận này chỉ là khởi đầu cho nhiều khoản đầu tư hơn”. Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp Hy Lạp giảm bớt khoản nợ khổng lồ của mình.

Còn tiếp

Elodie Sellier, The Diplomat

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang nghiên cứu quốc tế (nghiencuuquocte.net)
Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề chính, tiêu đề phụ

Mời đọc thêm:
*
Bị phản kháng, Bắc Kinh chuyển từ hùng hổ sang lu loa
*
Con đường tơ lụa gập ghềnh của Trung Quốc
* TQ quyến rũ khi họ muốn, bóp nghẹt khi họ cần