Nắm hai ngân hàng: Đại gia Việt ai bằng Trầm Bê
Hiếm có: Đại gia đình ở biệt thự, ăn cơm tập thể
Đại gia phòng thân: Tiền tươi đầy túi
Đại gia truyền cơ nghiệp cho con gái xinh
Khó vẫn kiếm tiền nhiều
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa có kết quả kinh doanh tháng 2/2013. Theo đó, DN này đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất cao nhất trong 5 tháng qua và ước đạt 67,2 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm niên độ tài chính 2012 - 2013 doanh thu đạt gần 4.400 tỷ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 247 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch năm và cao hơn lợi nhuận của 3 năm trước đó.
Không những thế, tập đoàn này đã lên kế hoạch sản kinh doanh giai đoạn 2013 - 2017 đạt mốc doanh thu đạt 1 tỉ USD (so với doanh thu khoảng 500 triệu USD trong năm vừa qua). Đây là mốc mà mới chỉ có một vài DN Việt Nam đạt đến và cũng có rất ít DN dám đặt tham vọng trong giai đoạn khó khăn này.
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV và cả năm 2012 cho thấy, khó khăn chung chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN này.
Trong quý IV/2012, cả doanh thu và lợi nhuận của BMP đều đạt mức tăng trưởng khá khoảng 12%. Lũy kế cả năm BMP có lợi nhuận trước thuế vượt gần 40% so với kế hoạch và lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) đạt con số khủng 10.231 đồng - thuộc tốp cao nhất trên TTCK.
Không chỉ HSG và BMP, trên TTCK cũng chứng kiến khá nhiều DN từ lớn tới nhỏ vẫn duy trì làm ăn tốt, dễ dàng vượt lên trên khủng hoảng với doanh thu, lợi nhuận năm 2012 tăng mạnh như: VNM (lợi nhuận tăng 38%); VCF (lợi nhuận tăng 44%, EPS đạt 11.431 đồng); NBB (EPS đạt 10.977 đồng); CAP (lợi nhuận tăng 22%, EPS đạt 11.964 đồng); TRC (lợi nhuận vượt 28% kế hoạch, EPS đạt 11.647 đồng)...
Chia sẻ những trải nghiệm trong những năm vừa qua, đặc biệt trong năm 2012 và bí quyết "vượt bão", ông Lê Phước Vũ cho biết, trong mấy năm vừa qua HSG cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với HSG sóng gió đã qua và theo ông quản trị DN quan trọng nhất là phải tập trung xử lý quản trị dòng tiền, cắt bỏ đầu tư ngoài ngành, lãng phí, thậm chí món đầu tư ra tiền nhưng ảnh hưởng tới dòng tiền cũng phải cắt.
Tương tự, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam, ông Kumarr Narasimmhan cho biết, kinh tế khủng hoảng đã khiến các DN gặp khó khăn về huy động vốn và lãi suất cao. Tuy nhiên, khủng hoảng lại là cơ hội để DN khởi động một chiến lược mới, đưa ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Trong khi đó, Vinamilk cũng bật mí sự đi lên của mình nhờ hàng loạt chiến dịch cải tiến sản phẩm và tiếp thị, mở rộng các kênh phân phối bán hàng.
Ăn thua quản lý đồng tiền
Có thể thấy, một điểm chung của các DN duy trì và vượt qua được khủng hoảng là họ đều quản trị rất tốt dòng tiền và không đầu tư dàn trải, ngoài ngành. Họ cố gắng bán hàng bằng mọi cách và đạt kết quả rất tốt, doanh thu cao.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng DN phải quản trị được dòng tiền, bởi khi đó DN sẽ chứng minh được với ngân hàng về sức sống của mình và chắc chắn sẽ được chào mời những khoản vay lãi suất hấp dẫn. Thực tế đã chứng mình điều này.
Bà Hồng cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cuộc khủng hoảng trở lại trên thế giới và chưa tới hồi kết. Tuy nhiên, trong khủng hoảng, DN có thể tìm ra nhiều cơ hội cho mình. Những DN vươn lên mạnh mẽ nằm trong số đó.
Mặc dù vậy, trên thực tế có thể thấy, đa phần các DN gặp khó khăn và lao đao trong giông bão với 55.000 DN phá sản trong năm 2012 và rất rất nhiều DN thua lỗ, lợi nhuận giảm sút mạnh...
Khó khăn thì ai cũng biết. Trong một môi trường sóng gió, sức cầu yếu, lòng tin người tiêu dùng chưa hồi phục... việc DN gặp khó là tất yếu. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, khả năng vượt bão phụ thuộc phần nhiều vào chính các DN, vào các ông chủ của DN.
Thực tế cho thấy, không ít DN đã quá sa đà vào đầu tư ngoài ngành, đầu cơ chộp giật, đầu tư vào các mảng tiềm năng sinh lời lớn nhưng quên mất quản trị dòng tiền và để DN của mình rơi vào tình trạng mất thanh khoản, doanh thu tụt giảm. DN đã chết hoặc trên bờ vực thẳm trước khi đến được với những món lời lớn ở xa xôi phía trước.
Nói đến vấn đề này, có thể điểm ra rất nhiều DN đang rơi vào tình trạng khó khăn, doanh thu tụt giảm, thậm chí không có doanh thu và đang vật lộn giữa cái tồn tại và không tồn tại như: Tập đoàn Thái Hòa (doanh thu giảm 10 lần so với 2009); Viễn thông Thăng Long (doanh thu thuần quý IV/2012 đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, bằng gần 10% cùng kỳ năm trước); NTB doanh thu quý IV/2012 vỏn vẹn 7,3 tỷ đồng (so với 274 tỷ đồng cùng kỳ); hay như SJS, TNT, PVR, VRC, KAC, VES...
Có thể thấy, có rất nhiều lý do khiến DN thua lỗ, rơi vào tình trạng khó khăn là hiện tượng thiếu hụt nguồn thu từ hoạt động kinh doanh. Với nguồn thu thuần eo hẹp, dòng tiền kinh doanh lập tức bị ảnh hưởng và việc thua lỗ gần như tất yếu.
Doanh thu thấp không chỉ ảnh hưởng tới lợi nhuận trong ngắn hạn mà nó còn ảnh hưởng tới thị phần, tới khả năng bán hàng và dịch vụ của DN trong tương lai. DN có thể thua lỗ trong khủng hoảng nhưng doanh thu tụt giảm mới là điều nguy hiểm.
Mặc dù quan trọng là vậy, nhưng vấn đề quản trị dòng tiền nói chung và duy trì doanh thu dường như vẫn được các DN coi nhẹ. Rất nhiều DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực BĐS không dám chấp nhận đổi mới chiến lược, giảm giá sản phẩm, đưa ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo doanh thu, giảm hàng tồn kho...
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ lãnh đạo DN phải nhạy cảm với thị trường, đưa ra phản ứng phù hợp, đưa ra chiến lược luôn mới và cập nhật, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong giai đoạn khủng hoảng mà còn ở chỗ lãnh đạo phải kiên trì, nhẫn nại với bước đường phát triển của mình. DN cũng như con người không phải lúc nào cũng thắng và không phải làm việc gì cũng dễ dàng.
Mạnh Hà