Trái ngược với xu hướng giảm trên thị trường, cổ phiếu ITA của Tập đoàn Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến tiếp tục tăng mạnh đầu phiên giao dịch sáng 7/10 với khối lượng giao dịch rất lớn: tới gần 14 triệu đơn vị được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh chỉ trong vài chục phút mở cửa.
Trong phiên hôm qua (6/10), ITA ghi nhận giao dịch đột biến lên tới gần 32 triệu đơn vị được chuyển nhượng và cổ phiếu tăng kịch trần lên 4.940 đồng/cp. Các đại gia đã bỏ ra khoảng 150 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch để mua cổ phiếu ITA.
Sáng 7/10, tính tới 9h40, cổ phiếu này đã tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp lên 5.280 đồng/cp. Thanh khoản của ITA đang ở mức cao gấp 5-6 lần so với trung bình các phiên trước đó.
Cho tới thời điểm này, chưa có thông tin tích cực nào được công bố liên quan tới Tập đoàn Tân Tạo nhưng nhiều người cho rằng đây là một tín hiệu tích cực đến với doanh nghiệp của bà Đặng Thị Hoàng Yến, một nữ doanh nhân và nguyên là đại biểu Quốc hội khóa 13 nhưng đã vắng bóng 8 năm qua tại các đại hội đồng cổ đông ITA.
Trên thực tế, ITA được hưởng lợi một phần từ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những biến động tích cực chỉ nằm ở một số mã bất động sản công nghiệp và đã được phản ánh vào giá trước đó.
ITA của bà Hoàng Yến vẫn khá lẹt đẹt với lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 42% so với cùng kỳ.
Nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến. |
Trước đó, hồi tháng 4-5, cổ phiếu ITA đã tăng 2,5 lần, từ mức khoảng 1.900 đồng/cp lên mức 5.000 đồng/cp với điểm nhấn là sự trở lại của bà Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện trở lại trong đại hội cổ đông thường niên năm nay (trực tuyến) sau 8 năm vắng mặt. Sự kỳ vọng đối với cổ phiếu này rất lớn khi mà nữ doanh nhân nổi tiếng một thời đã trở lèo lái doanh nghiệp, xóa đi phần nào nỗi lo với tin đồn bà sẽ rút dần các hoạt động về Mỹ.
Kỳ vọng cũng lớn lên cùng với những tuyên bố khá ấn tượng của bà Yến sau một thời gian dài vắng bóng, với kế hoạch kinh doanh tốt hơn, các dự án với mức đầu tư lớn hơn và khả năng về một dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc để sang các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Kế hoạch 2020 của ITA vẫn tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi, thúc đẩy mạnh công tác chào các dự án bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt xúc tiến các chương trình tại thị trường lớn như Mỹ, Hàn, Nhật, Đài Loan… Doanh nghiệp nâng tổng vốn đầu tư tại khu Tân Tạo, Tân Đức lên khoảng 1 tỷ USD với trên 500 nhà máy hoạt động.
Định hướng của Itaco khá rõ ràng, tập trung vòa 3 mục tiêp chính, bao gồm: Phát triển hoàn thiện các khu đô thị, khu công nghiệp trong nước; mở rộng khu Tân Đức 2 lên 230ha; và mở rộng đầu tư tại Hoa Kỳ.
Về dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương có quy mô tỷ USD, ITA cho biết, vẫn bám sát làm việc với cơ quan, ban ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án vào quy hoạch phát triển điện quốc gia.
Mặc dù Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia, Mexico… để đón làn sóng vốn ngoại mới và cần có những thay đổi lớn về chính sách, thể chế… nhưng kỳ vọng cho nhóm doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp vẫn lớn, nhất là các DN có quỹ đất lớn, bao gồm cả các doanh nghiệp cao su.
Dự báo, dòng dịch chuyển vốn nếu xảy ra cũng cần một vài năm nhưng các thông tin mới cũng đủ làm nóng nhóm cổ phiếu này. Về trung và dại hạn, Việt Nam vẫn được dự báo là một thị trường tiềm năng và là điểm đến cho nhiều DN nước ngoài nhờ quy mô dân số lớn, vị trí đắc địa trong khu vực và thuận tiện về giao thông đường biển.
Trong vài tháng đầu năm 2020, nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp dậy sóng nhờ kỳ vọng và làn sóng dịch chuyển sản xuất. Hàng loạt các cổ phiếu đã có những chuỗi ngày tăng trần như: KBC, SZC, PHR, SNZ…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 7/10, chỉ số VN-Index xoay quanh ngưỡng 915 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự kiến sẽ tiếp tục dao động trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 895- 900 điểm và ngưỡng cản quanh 918-920 điểm. Nếu vùng hỗ trợ 895-900 điểm bị xuyên thủng, chỉ số có thể bước vào nhịp điều chỉnh mạnh và lùi về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong ngắn hạn. Trong thời gian tới, thị trường sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết và diễn biến thị trường cũng sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ có diễn biến giằng co. Cơ hội đến với một số ít cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10, VN-Index tăng 0,99 điểm lên 915,67 điểm; HNX-Index tăng 0,59 điểm lên 137,77 điểm. Upcom-Index tăng 1,099 điểm lên 63,91 điểm. Thanh khoản đạt 9,6 nghìn tỷ đồng.
V. Hà