- Nhiều đấng mày râu không tiếc công sức, tiền của săn lùng rượu ngâm từ các loại động vật quý hiếm như bào thai hổ; chân, tay gấu... để tăng cường sinh lực, bồi bổ sức khỏe.

Đẳng cấp với rượu bào thai hổ

Trong số những loại rượu ngâm từ các loại động vật quý hiếm, rượu bào thai hổ được cái đại gia cho là cách thể hiện đẳng cấp thượng thặng nhất. Loại rượu này được thêu dệt là “thập toàn đại bổ”, không phải cứ có tiền là mua được.

Theo phân tích của ông V. (một đại gia ngành xuất nhập khẩu lâm sản và đồ mỹ nghệ ở TP.HCM) trên báo chí, nếu phân cấp thì hà nàm hổ (bào thai của loài hổ) có hai loại là hổ bào thai và hổ sơ sinh. Quan niệm xưa thì bào thai có nhiều chất bổ hơn là hổ đã lọt lòng. Song, việc bắt được hổ đang mang thai để moi hà nàm thì tựa như tầm kim đáy biển. Vì thế, dân chơi rượu lựa chọn “hổ nhi đồng” là chính. Để có được những “bộ cốt” có giá trị này, việc săn lùng cũng không phải đơn giản.

{keywords}

Hầm rượu “đỉnh” của đại gia V.

Trong số hàng trăm hũ rượu quý của ông V., bình rượu mà ông tâm đắc nhất chính là “cốt ninh chu xạ dịch”. Đó là hũ rượu có một chú hổ con nằm lọt thỏm bên trong chum, mắt vẫn trợn tròn, miệng dương nanh há hốc như thể còn sống. Đại gia này giới thiệu, chỉ tính riêng chi phí con hổ bên trong cũng không dưới 200 triệu đồng.

Trong khi đó, Hùng (một tay chơi đồ rừng “thứ dữ” ngụ phường Đa Kao, quận 1) khẳng định trên báo CA TP. HCM: Hổ có trọng lượng dưới 15kg ngâm rượu là “đẹp” nhất, vì ở tầm đó mới có hũ ngâm vừa, và hổ cỡ ấy còn chưa dứt sữa mẹ nên rất bổ. Điều quan trọng là phải giữ được hổ con còn sống đến khi cho vào bình, sau đó đổ rượu vào cho “ông ba mươi” chết ngạt. Có như thế những tinh chất từ trong cơ thể hổ mới tiết ra và hòa vào rượu”.

{keywords}

Con hà nàm con được xách nách lên khỏi bình rượu.

Còn ông Phang (quận 7) đang “ém” trong tư gia hũ rượu ngâm hai con hổ sơ sinh, cũng khoe rằng, đã từng làm mối cho một số chiến hữu ở khắp các quận ngâm “rượu hổ nhí” có nguồn gốc từ Campuchia. “Giá gốc mỗi con hổ nhi đồng được con buôn rao bán 50 triệu. Qua vài mối lái cắt cò, giá lên đến trăm chai (100 triệu đồng). Giá này với nhiều tay có thể là đắt nhưng cái giống hổ con nó như cổ vật vậy đó, gặp trúng người kết mô-đen rồi thì giá cả dẫu cao cỡ mấy cũng không thành vấn đề” - ông Phang nói.

Hổ là động vật hoang dã, được Sách đỏ Việt Nam và thế giới liệt vào nhóm quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn tàn bạo của con người. Tại Việt Nam, những năm qua các cơ quan chức năng đã ra sức bảo vệ hổ. Song thật đáng buồn, chuyện hổ bị bắn chết, bị giết hại, bị nấu cao, bị vận chuyển trái phép vẫn diễn ra.

{keywords}

Hổ con, rắn ngâm rượu bên trong văn phòng Công ty cổ phần tài chính đầu tư Chu Việt

Năm 2013, dư luận xôn xao về vụ việc Công ty cổ phần tài chính đầu tư Chu Việt - một công ty chuyên sản xuất cao ngựa, thịt ngựa ở Sài Gòn - lại chứa nhiều bình rượu ngâm động vật quý hiếm, trong đó có cả hổ con. Hũ rượu ngâm được ghi hẳn dòng chữ “hổ con ngâm rượu”.

Không tiếc tiền để uống rượu tay, chân gấu

Rất nhiều đại gia Việt tin rằng gấu là loại động vật dũng mãnh vào bậc nhất chính vì vậy họ sẵn sàng bỏ những khoản tiền lớn để có thể ăn tay chân gấu, uống rượu mật gấu với hy vọng bổ thận tráng dương. Các bàn tay và chân gấu được ngâm vào các hũ rượu để trở thành "thần dược" cho các quý ông.

{keywords}

Gấu nguyên con ngâm rượu

Chân, tay gấu trở thành một mặt hàng đắt giá. Nhiều người đã vận chuyển, buôn bán mặt hàng này với lợi nhuận rất cao.

Ngày 5/10/2012, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Gio Linh vừa bắt giữ xe ô tô chở 4 chân gấu ngựa ngâm trong bình rượu, 8 chân gấu ngựa đựng trong thùng xốp ướp đá và 1 cá thể rắn hổ nặng 5kg ngâm trong bình rượu.

Việc mua bán những bình rượu ngâm tay, chân gấu thậm chí còn được công khai trên các trang mạng xã hội. Người ta quảng cáo công dụng của những bình rượu ngâm tay, chân của các loài gấu chó, gấu ngựa như một loại thuốc bổ thần kỳ. Giá cho mỗi bình rượu ngâm chân tay gấu thế có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

{keywords}

Nguyên bàn chân gấu ngâm rượu

{keywords}

Hai bình rượu tay gấu - loại được đồn thổi là có tác dụng cường dương.

Việt Nam là nơi phân bố của hai loài gấu (gấu ngựa và gấu chó) là nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, cả hai loài gấu nước ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao do nạn săn bắt và buôn bán gấu trái phép.

Trước thực trạng này, nhiều người đã đứng ra bảo vệ đàn gấu bằng cách kêu gọi không uống rượu mật gấu, rượu ngâm chân tay gấu.

Theo VTC News, trước đây, trong nhà đại gia Nguyễn Công Đức (Đức gấu)  có hàng chục bình rượu ngâm chân tay gấu. Thậm chí, có bình rượu ông ngâm nguyên cả con gấu ngựa nặng hơn tạ. Uống không hết thì ông đem bán, đem biếu khắp nơi. Giờ đây, ông Đức là cứu tinh của giống nòi nhà gấu. Ông bảo rằng, ngày trước, ông làm giàu từ đàn gấu, sát hại gấu rất nhiều, nên phần đời còn lại, những tài sản còn lại, ông dùng để trả nợ loài gấu.

Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong các bài thuốc bổ thận tráng dương của Đông y không có các vị từ gấu hoặc hổ. “Rất nhiều người đang hiểu sai hoặc cường điệu hóa để đánh lừa người dân về tác dụng của các loài rượu ngâm động vật quý hiếm nhằm trục lợi bản thân. Trong sách y văn, chân gấu, chân hổ có tác dụng bồi bổ cơ thể chung chung chứ không phải như một loại thần dược khiến người ta có thể hồi xuân, cường tráng khỏe mạnh. Các loại cao từ hổ, gấu, ngựa chỉ có tác dụng trừ phong thấp, đau gân cốt chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương”, bác sĩ Hướng nói.

Bác sĩ Hướng cảnh báo, hầu hết người dân không tuân thủ đúng quy trình nấu cao hoặc bào chế động vật để ngâm rượu. Tay gấu, tay hổ,... khi ngâm rượu để cả lông sẽ rất mất vệ sinh, người uống có thể bị tiêu chảy.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)