Thời gian gần đây, một trong những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm nhất là việc 4 chiếc máy cá nhân hạng nhẹ đang nằm ở Cảng Hải Phòng, chờ thông quan. Nhiều ý kiến phỏng đoán, mục đích nhập khẩu số máy bay trên để phục vụ nhu cầu của các “đại gia” trong nước, để chơi “ngông” hay đánh bóng thương hiệu...


TIN BÀI KHÁC


Để tìm hiểu rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với công ty Hành tinh xanh, đơn vị nhập khẩu lô hàng này.

Không nhập cho "đại gia" hay để đánh bóng thương hiệu

Sở dĩ việc nhập khẩu 4 chiếc máy bay cá nhân hạng nhẹ nhận được nhiều sự quan tâm chú ý đặc biệt như vậy, có lẽ đây là lần đầu tiên máy bay cá nhân hạng nhẹ giá thành rẻ từ 02 đến 04 chỗ ngồi được nhập về Việt Nam.

Theo như cơ quan Hải Quan Hải Phòng cho biết là “chưa từng có tiền lệ nhập khẩu” tại đơn vị này. Và có lẽ 2 chữ “máy bay” từ trước đến nay luôn bị gắn liền với cái “mác” tài sản xa xỉ của một vài “đại gia” đếm trên đầu ngón tay, nên việc nhập liền lúc 4 chiếc đã gây sự chú ý mạnh mẽ.

Đơn vị nhập khẩu là Công ty Cổ Phần Công Nghệ Hành Tinh Xanh với tên giao dịch nước ngoài đầy đủ là Green Planet Technology JSC... Đây là doanh nghiệp cổ phần của tư nhân với số vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ, được thành lập đầu năm 2010 với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác kinh doanh hàng không chung, vận tải hàng không,…

Công ty Hành Tinh Xanh là một thành viên chính thức của Câu Lạc Bộ Hàng Không Miền Bắc – trực thuộc Quân Chủng Phòng Không – Không Quân, Bộ Quốc Phòng.

Lô hàng 4 chiếc máy bay này được công ty Hành Tinh Xanh nhập khẩu về Việt Nam qua đường cảng biển với tư cách là đơn vị thành viên trực thuộc CLB Hàng Không và mục đích chính là để phục vụ công tác Giáo Dục Quốc Phòng theo chủ trương của Bộ Quốc Phòng giao cho Quân Chủng PK-KQ và CLB HK Miền bắc thực hiện.

Công ty Hành Tinh Xanh hiện nay đang phối hợp với CLB HK và Quân Chủng PKKQ để thực hiện dự án triển khai thông qua việc tổ chức các họat động bay trên các phương tiện bay có người lái.

Việc nhập khẩu 04 chiếc máy bay nói trên chỉ là bước khởi đầu của dự án, tiếp sau đó sẽ là rất nhiều trang thiết bị khác để phục vụ công tác giảng dạy, huấn luyện như: Mô Hình Buồng lái Giả Lập (còn gọi là Simulator nhằm giúp học viên thực hành mọi kỹ năng điêu luyện trước khi bay thật ), thêm nhiều máy bay huấn luyện của nhà sản xuất Cessna, Robinson với kích cỡ và số chỗ ngồi đa dạng, trang thiết bị cho nhà xưởng sửa chữa, bảo dưỡng (hangar), giáo trình và các thiết bị học khác…

Ông Cao Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh cho biết, việc giới thiệu máy bay, huấn luyện bay, đào tạo kỹ sư sửa chữa bảo dưỡng và tổ chức các họat động bay sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp thanh thiếu niên yêu thích khám phá tham gia. Và thông qua đó, giáo dục cho họ các kiến thức ngành HK, về an ninh Quốc Phòng.

Những thanh niên nào có đủ điều kiện về tố chất và có khả năng sẽ được đào tạo chính quy lên cao hơn để trở thành lực lượng dự bị cho Không Quân cũng như ngành Hàng Không thương mại sau này.

“Đây là lực lượng mà chúng ta đang rất thiếu, hàng năm phải gửi ra nước ngòai đào tào lên đến hàng nghìn người gây rất nhiều lãng phí và cho thấy ngành HK nước nhà còn kém phát triển so với các nước trong khu vực…”, ông Sơn cho biết.

Nhiều khó khăn

Để tìm hiểu những quy định bay cũng như các thủ tục bay, PV đã liên hệ với ông Phạm Việt Dũng, Chánh Văn phòng, Cục hàng không VN, Bộ Giao thông vận tải.

Theo ông Dũng, hiện nay các chương trình đào tạo bay phải liên kết chặt chẽ với Cục hàng không hoặc bên Không quân. Đối với chương trình liên kết với Cục Hàng không, phải được Cục hàng không chấp nhận. Nếu đào tạo không được Cục hàng không chấp nhận, thì thứ nhất doanh nghiệp đó không được đào tào, thứ hai, đào tạo xong không được cấp chứng chỉ.

Còn đối với những chương trình làm với bên Không quân thì có chương trình riêng, chương trình này do Bộ Quốc Phòng đảm nhiệm.

Việc cho thuê lái máy bay, Luật hàng không cũng không cấm miễn đủ các tiêu chuẩn cần thiết.

Tuy nhiên, việc tổ chức bay đối với máy bay tầm thấp khá phức tạp tạp vì thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc Phòng. Để có thể bay được tầm thấp phải có giấy tờ trình Bộ Quốc Phòng, Bộ tham mưu, Quân đội nhân dân VN xem xét. Nếu 4 chiếc máy bay này bay tầm thấp thì sẽ phải tuân thủ các yêu cầu trên.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, một khó khăn nữa mà doanh nghiệp có thể gặp phải là chi phí đầu tư lớn, nhiều hạng mục phải đầu tư như trung tâm bảo dưỡng.

Mỗi trung tâm bảo dưỡng hiện chỉ làm cho những loại máy bay đã được cấp chứng chỉ. Còn những loại máy bay mới thì phải xin phép cấp chứng chỉ mới được làm. Vì vậy, không biết loại máy bay sắp nhập về có phù hợp với trung tâm bảo dưỡng không.

Hiện nay VN chỉ có 2 trung tâm bảo dưỡng ở HN và TP.HCM. Các trung tâm bảo dưỡng này cũng chỉ làm được một số công đoạn, còn những công đoạn khác phải mang ra nước ngoài như Úc.

(Theo VTC News)