Người Mường sống ở trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Đông nhất là ở tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Phú Thọ (khoảng 1.500.000 người). Trong quá trình mưu sinh, nhiều người Mường di chuyển xuống phía Nam. Khoảng 30 năm trở lại đây, người ta có thể bắt gặp những bản mường trù phú ở vùng Cao nguyên Đắk Lắk và các vùng lân cận.

Dân tộc Mường có bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” kể cho con cháu nghe về cuộc sống cha ông từ thuở khai thiên lập địa. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” được coi là bộ bách khoa toàn thư về phong tục của người Mường, ở đó lịch sử của người Mường được tái hiện qua trí tưởng tượng trong trẻo, hồn nhiên, khoáng đạt đến kì lạ của con người.

Sử thi kể về một câu chuyện sinh ra trời đất, con người như thế nào. Giải thích nguồn cội của đất nước, của bản mường, con người. Sử thi phản ánh một giai đoạn lịch sử của người Mường. Và quan trọng được diễn xướng trong đám tang. Người Mường có ông Mo nên trước khi tiễn người chết về với thế giới bên kia thì ông Mo muốn đọc cho người chết lai lịch về con người; con người từ đâu đến, tồn tại như thế nào, đưa tiễn về thế giới như thế nào. Vì thế người ta gọi đây là sử thi sống, có ý nghĩa với đời sống con người.

Trường ca Đẻ đất đẻ nước thể hiện vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn của người Mường. Có rất nhiều lớp kể về người dân, kể về tầng lớp quý tộc, thầy lang. Ngoài vai trò của nhân dân thì còn có vai trò của quý tộc. Việc truyền dòng họ từ đời này sang đời kia như thế nào.

Người Mường sống trong nhà sàn. Làng bản mường sống tập trung thành từng xóm, ẩn khá kín dưới màu xanh của cây cối trồng quanh nhà. Các bản mường thường có khoảng từ 20 đến 30 nóc nhà. Bản làng thường dựng nơi gần nguồn nước, gần đồng ruộng, thuận lợi cho lao động sản xuất.

Khi cất nhà, người Mường sẽ mời một thầy thầy địa lý chọn hướng theo tuổi của chủ nhân. Họ quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem lại tài lộc và may mắn. Nhà sàn của người Mường dựng theo kiểu cổ truyền với những cây gỗ được chọn làm cột, sau khi lắp mộng, dựng khung, được chôn thẳng xuống những hố đã đào sẵn sâu khoảng 20 – 30 cm. Tục chôn cột nhà, ngoài dụng ý cho vững chắc khung nhà khi lợp mái, làm sàn, làm vách, còn có ý nghĩa tâm linh, thể hiện cho sự hoà hợp âm dương. Cho đến nay, đa số người Mường đã thay đổi tục chôn cột nhà bằng cách nâng cột lên mặt đất và kê lên những phiến đá chống mối mọt. 

Người Mường có phong cách thẩm mỹ trong trang phục. Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đầu cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Quần lá tọa ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng. Phụ Nữ có khăn đội đầu là một mảnh vải trắng hình chữ nhật không thêu thùa, yếm, áo cánh thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Phụ nữ Mường có thể búi tóc sau gáy nếu không đội khăn. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 giây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.

Người Mường làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày. Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình Mường là khai thác lâm thổ sản. Họ cũng rất khéo trong dệt vải, đan lát, ươm tơ để phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình.

Người Mường thích ăn các món đồ như xôi đồ, cơm tẻ đồ, rau, cá đồ. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men được đem ra mời khách quý và uống trong các dịp tụ tập.

Người Mường có đời sống văn hóa phong phú, nhiều lễ hội quanh năm, điểm hình như hội Sắc bùa, hội xuống đồng (Khung mùa), hội cầu mưa, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới...

Thực hiện: Lương Bằng, Ngọc Quý, Đức Yên

 

Ảnh 360- Dân tộc Mường

(Thực hiện: Nhóm PV)