“Không nên hình sự hóa các tổ chức tín dụng. Tuy những tổ chức tín dụng cho thủy sản Phương Nam cho vay có phần sai, nhưng không nên xem đây là một đại án…”, đây là ý kiến của ông Trần Văn Trí – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Phương Nam (Thủy sản Phương Nam) khi nói về lộ trình tái cơ cấu thủy sản Phương Nam.
Từ một doanh nghiệp lún sâu trong nợ nần 1.600 tỷ, thủy sản Phương Nam đang được tái cơ cấu để duy trì hoạt động như “người chết đi sống lại”. Trước đó, Nguyên Chủ tịch HĐQT Phương Nam – ông Lâm Ngọc Khuân đã bỏ trốn ra nước ngoài, đẩy các tổ chức tín dụng cho vay vào vòng lao lý.
Theo ông Trí, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; Bộ Công an; Ngân hàng Nhà nước; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng… đã giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, ổn định đi vào sản xuất. Theo ông Trí, tổng nợ Ngân hàng của doanh nghiệp là 1.596 tỷ đồng. Sau khi góp vốn và xử lý các tài sản không tham gia sản xuất thì tổng nợ của Thủy sản Phương Nam còn 1.300 tỷ đồng.
“Giá trị tài sản của Phương Nam qua kiểm tra, đánh giá còn lại 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua phải đóng số tiền lãi rất lớn lên đến 500 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thủy sản Phương Nam lún sâu bờ vực phá sản” – ông Trí thông tin.
Khoản nợ của các tổ chức tín dụng đồng ý khoanh, giãn nợ trong vòng 5 năm đã được phê duyệt trong phương án tái cấu trúc. Thế nhưng, ông Trí xin miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm (2014-2016) và phương án trả nợ trong vòng 15 năm.
Trong quá trình tái cấu trúc lại thủy sản Phương Nam, có 20 cán bộ của tổ chức tín dụng Ngân hàng trực tiếp cho vay đã bị cơ quan CSĐT bắt giữ vì “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Trao đổi với báo chí ngoài lề, ông Trần Văn Trí chia sẻ: “Không nên hình sự hóa các tổ chức tín dụng. Tuy những tổ chức tín dụng cho thủy sản Phương Nam cho vay có phần sai, nhưng không nên xem đây là một đại án. Bởi vì, kiểm tra tài sản còn để lại trừ đi khoản vay và tiền lãi thì số tiền 1.600 tỷ đồng không thực sự lớn”.
Quốc Huy