Doanh nghiệp ngoại đang lấn át
Theo thống kê của Bộ TT&TT, lĩnh vực công nghiệp nội dung số tại Việt Nam mặc dù mới được hình thành nhưng đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan: trên 50%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, lĩnh vực công nghiệp nội dung số của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, cần được gấp rút hoàn thiện bằng chiến lược mạnh tay.
Tại hội nghị “Doanh nghiệp CNTT-TT với nhiệm vụ triển khai Đề án Đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” được Bộ TT&TT tổ chức ngày 10/3, ông Lê Hồng Minh – Tổng Giám đốc công ty VNG nhận định: “Vấn đề cạnh tranh ngay trên sân nhà của ngành nội dung số Việt Nam đang vô cùng gay gắt. Với con số ước tính khoảng 26 triệu khách hàng đang sử dụng Internet trong nước như hiện nay, có tới 80% đang sử dụng các dịch vụ của nước ngoài (như Google 20 triệu, Yahoo có 14 triệu…). Cùng đó, giữa lúc các doanh nghiệp nội còn non trẻ thì ngày càng vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp đến từ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc…”.
Trong khi đó, vấn đề chất lượng của nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nội dung số của Việt Nam lại còn nhiều hạn chế, khiến giá trị tạo ra tính theo số lượng mỗi nhân lực còn thấp so với nhiều quốc gia.
Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Thế Lương – Giám đốc Công ty VTC Intecom cũng cho rằng trong giai đoạn đến năm 2015, lĩnh vực nội dung số tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh, đồng thời sẽ đặt ra hàng loạt thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội dung số cần phải gấp rút giải quyết được các vấn đề như liên quan đến nhân sự chất lượng cao, chiến lược phát triển thị trường hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp “ngoại”..., mà một trong những vấn đề mấu chốt chính là tập trung cho R&D.
Chờ chính sách “đòn bẩy”
Từ những thách thức được đặt ra như nêu trên, trao đổi tại Hội nghị, ông Lê Hồng Minh cho rằng: Với lĩnh vực nội dung số, nếu không có khả năng tự nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm của chính mình thì khó có thể nói tới câu chuyện cạnh tranh hiệu quả. Hiện VNG đang đầu tư vào các mảng chính như mạng xã hội, đầu tư sản xuất game, đầu tư nghiên cứu cơ bản, chính vì vậy trong 5 năm tới VNG sẽ tập trung đầu tư mạnh cho R&D. “Đối với lĩnh vực nội dung số, mất khách hàng, mất thị phần thì rất khó lấy lại”, ông Lê Hồng Minh nhấn mạnh.
Đại diện cho VTC Intecom, ông Dương Thế Lương cũng bày tỏ tham vọng: “Đến năm 2015 VTC Intecom sẽ sản xuất, cung cấp nội dung cho cả thiết bị tivi, máy tính, điện thoại, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế theo chiến lược toàn cầu hoá, tập trung nghiên cứu và sản xuất các game mang văn hoá Việt, xây dựng kho nội dung số Việt Nam, phát triển mạng xã hội Go.vn với nội dung tập trung phục vụ nhu cầu giao tiếp, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, để từ đó cung cấp các dịch vụ về giáo dục, kể cả xuất khẩu phần mềm và nội dung số… Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cũng khẳng định, chiến lược phát triển của Viettel cũng đang tập trung mạnh vào sản xuất phần mềm và nội dung so.
Chính vì vậy, tại Hội nghị, đại diện của các doanh nghiệp này đã đề nghị Bộ TT&TT, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực nội dung số để lĩnh vực này có thêm cơ hội “tăng tốc”. Cụ thể, Chính phủ cần sớm có chính sách bảo hộ rõ ràng cho doanh nghiệp nội trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài, thu hút nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách miễn thuế thu nhập cá nhân để tạo tác động lâu dài; Chính phủ cũng cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nội dung số để tạo ra nhiều nội dung hấp dẫn cho người dùng cuối, góp phần gia tăng số lượng người dùng Internet.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 30 ra ngày 11/3/2011