Thống kê từ CBRE Việt Nam từ năm 2012 đến quý III/2015 cho thấy tỉ trọng tiêu thụ phân khúc căn hộ cao cấp liên tục tăng từ 16% - 36%. Sự tăng trưởng mạnh của phân khúc này cũng kéo theo cuộc đua khốc liệt tranh thị phần.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng việc Luật Nhà ở mới có hiệu lực (ngày 1/7), sẽ tạo đột biến về giao dịch căn hộ cao cấp hướng đến Việt kiều và người nước ngoài. Tuy nhiên, thống kê tại một số doanh nghiệp, tỉ lệ giao dịch của nhóm này chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn.

Về hiệu ứng từ chính sách mở cửa cho Việt kiều và người nước ngoài, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, nhận định: “Chưa có tăng trưởng đột biến về lượng mua nhà từ người nước ngoài, do người mua chờ các chi tiết hướng dẫn thi hành cụ thể. Sự chuyên nghiệp, thông thạo ngoại ngữ, và tạo điều kiện thuận lợi khi thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ là vài trong số các yếu tố chủ chốt khi khách hàng nước ngoài tham gia vào thị trường”.

{keywords}

Đại gia Sài Gòn đổ xô đầu tư căn hộ cao cấp

Lý giải hiện tượng lượng tiêu thụ căn hộ cao cấp tăng cao, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Địa ốc Trường Phát, cho rằng: “Đây là phân khúc có tỷ lệ nhà đầu tư tham gia lớn nhất thị trường. Niềm tin của nhóm này tăng lên, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp cũng hướng dòng tiền đổ về bất động sản”.

Cũng theo ông Dũng, thị trường đang có xu hướng tốt ở phân khúc cao cấp nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tham gia phân khúc này. Ngoài chuyện năng lực, kinh nghiệm, doanh nghiệp cũng phải lường trước ngưỡng bão hòa. Trong một thị trường bền vững thì nhu cầu căn hộ trung bình vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất.

Dẫn đầu nguồn cung căn hộ cao cấp phải kể đến Khu Nam và Khu Đông Sài Gòn. Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam, chia sẻ, xét theo khu vực thì nguồn cung mới ở phía Nam (bao gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36% trong tổng số nguồn cung mới, trong khi khu phía Đông gần đây đang sôi động chỉ chiếm 29% trong Quý III/2015.

Bà Dung cho rằng, trong bối cảnh mới đây khi TP.HCM dự định phát triển một đặc khu kinh tế tại phía Nam, sẽ có một cuộc đua giữa hai điểm nóng trong thời gian tới là Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở phía Đông và Khu Nam.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc DKRS, nhận định, phân khúc cao cấp là phân khúc dành cho khách hàng khó tính. Do vậy, để giành được khách hàng đòi hỏi không chỉ vị trí mà sự chuyên nghiệp, uy tín của nhà phát triển dự án, khác biệt trong sản phẩm sẽ quyết định phần thắng trong cuộc đua.

Bên cạnh các “ông lớn” chuyên phát triển dòng sản phẩm cao cấp như: Vingroup, Novaland, Phú Mỹ Hưng, Capitaland… những doanh nghiệp mới nổi cũng chạy đua vào phân khúc cạnh tranh khốc liệt này.

Xu hướng đưa yếu tố “ngoại” để tăng tính cạnh tranh đang xuất hiện ở nhiều dự án. An Gia Investment “bắt tay” Quỹ đầu tư Creed Group để đầu tư Khu căn hộ cao cấp chuẩn Nhật Bản Angia Skyline quận 7; Sàn bất động sản Nam Tiến cũng tung 800 căn hộ cao cấp The Southern Dragon Tân Phú với thiết kế theo mô hình Singapore; Phúc Khang Corporation cũng đưa tiêu chuẩn LEED (Mỹ) vào dự án Diamond Lotus…

Báo cáo của các công ty nghiên cứu vẫn cho thấy thanh khoản thị trường khá tốt và vẫn còn sớm để nói đến dấu hiệu “bong bóng”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có giải pháp hạn chế đầu cơ lướt sóng từ cấp độ doanh nghiệp đến chính sách thì mới duy trì được đà tăng trưởng bền vững của thị trường.

Quốc Tuấn