Kinh doanh thua lỗ, tiêu xài hoang phí, sử dụng tiền vay sai mục đích, vay vốn ngắn hạn lãi suất cao để đầu tư dài hạn, trả lãi không nổi nên lãi mẹ đẻ lãi con, đầu tư dàn trải… khiến không ít đại gia thủy sản ở miền Tây từ chỗ nắm trong tay khối tài sản “khủng” trở thành con nợ hoặc vướng vào vòng lao lý.

Xuất cảnh trốn nợ

Từ đầu năm 2012, số lượng công nhân đến với Công ty Thủy sản Phương Nam ngày một thưa dần. Nhà máy hoạt động cầm chừng. Riêng dự án xây dựng nhà máy chế biến tôm, cá tra của công ty con là KM Phương Nam ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng cũng bị đình trệ trong giai đoạn sắp hoàn thiện.

Mãi đến thời điểm này mọi người mới tá hỏa khi biết ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Phương Nam, đã xuất cảnh sang Mỹ cùng vợ từ cuối năm 2011 với lý do đi chữa bệnh. Tiếp đó, giữa tháng 7-2012, con gái của ông Khuân là Lâm Ngọc Hân cũng xuất cảnh sang Mỹ. Họ ra đi bỏ lại khoản nợ tại các ngân hàng trên 1.700 tỉ đồng, sau khi được trừ tài sản thế chấp và giá trị hàng tồn kho, đại gia Khuân còn nợ hơn 1.679 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, các nhà thầu xây dựng KM Phương Nam nộp đơn ra tòa kiện đòi tiền và dọa tháo gỡ thiết bị đã lắp cho nhà máy KM Phương Nam. Chưa hết, khi các ngân hàng bắt tay vào tái cơ cấu nợ tại Công ty Thủy sản Phương Nam thì các đối tác lẫn nhà thầu mới biết ông Khuân gửi thư từ Mỹ với nội dung cáo bệnh, không thể về nước trả nợ nần.

{keywords}

Ông Tòng khi chưa bị bắt.

Ngoài ra, đến khi nổ ra vụ án Phương Nam, cơ quan chức năng truy tìm các tài sản mới biết đại gia Lâm Ngọc Khuân có hàng loạt nhà đất, căn hộ ở Sóc Trăng, Cần Thơ và đầu tư nhiều bất động sản là căn hộ cao cấp ở Phú Mỹ Hưng, khu Mỹ Thái thuộc địa bàn TP.HCM. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ nần của Phương Nam khi sử dụng tiền vay sai mục đích, lấy nợ ngắn hạn đầu tư vào lĩnh vực dài hạn, đầu tư trái ngành, trái sở trường.

Điển hình nhất là Lâm Ngọc Khuân vay tiền ngân hàng để đầu tư lâu đài hoành tráng nhất tại Sóc Trăng như lời đại gia này từng tâm sự là “xây như một khách sạn đạt chuẩn quốc tế, có cả quầy bar phục vụ khách Tây…”. Cụ thể, theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến tháng 9-2012, Phương Nam được nhiều ngân hàng cho vay vốn kinh doanh thủy sản. Nhưng ông Khuân đã sử dụng vốn sai mục đích vào các việc như dùng để trả nợ, kinh doanh bất động sản, liên doanh liên kết đầu tư với Công ty KM Phương Nam do chính mình làm chủ tịch hội đồng thành viên.

Do kinh doanh thua lỗ năm năm liên tục dẫn đến mất khả năng thanh toán, ông Khuân đã chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền. Chưa hết, những người này còn sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu để sao y ra nhiều bản đưa vào hồ sơ thế chấp.

Đến nay nhà chức trách xác định Công ty Thủy sản Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho năm ngân hàng với số tiền gần 785 tỉ đồng. Số tiền này cha con ông Khuân được cho là đã chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

Ra đi không hẹn ngày trở lại, đại gia Lâm Ngọc Khuân ôm số tiền khủng sang Mỹ, còn 25 cán bộ ngân hàng và hai thuộc cấp của Khuân phải chịu cảnh bóc lịch trong trại giam. Cơ quan điều tra cho rằng Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân chịu trách nhiệm chính trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng nhưng đã bỏ trốn. Do thời hạn điều tra đã hết, nhà chức trách tạm đình chỉ, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. 

{keywords}

Công ty Ngọc Sinh hiện nay hoang phế, bị ngân hàng phát mại.

Lập hồ sơ gian

Bên cạnh những đại gia đình đám “ngã ngựa” như Lâm Ngọc Khuân, ngành thủy sản còn chứng kiến hàng chục đại gia khác rơi vào vòng lao lý. Một trong nhiều đại gia tôm ngã ngựa tai tiếng tại Cà Mau là vợ chồng bà Đặng Thị Ngợi, chủ doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sinh (đóng tại xã Khánh An, huyện U Minh).

Bà Ngợi bị bắt vào ngày 19-11-2014 vì bị tình nghi đã lừa đảo các ngân hàng cả trăm tỉ đồng. Cũng từ thời điểm này, doanh nghiệp Ngọc Sinh phá sản, hệ thống nhà xưởng bị ngân hàng xiết nợ, kêu bán ra rả. Theo tin từ công an thì bà Ngợi vừa được cho về nhà, tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú. Chồng bà dân Cà Mau vẫn quen gọi là ông Thành Ngọc Sinh cũng thoắt ẩn thoắt hiện, ít người biết được tung tích.

Chúng tôi đã tìm đến căn nhà của vợ chồng bà Ngợi ở phường 7, TP Cà Mau nhưng cô cháu gái đang ở nhà này cho biết ông bà đã đi đâu đó không rõ. Tuy vậy, chúng tôi tìm gặp được ông Đặng Văn Mỹ, anh ruột của bà Ngợi ở Cà Mau.

Ông Mỹ nói: “Lâu quá rồi vợ chồng hai đứa nó không về. Tết cũng không về, đám tiệc cũng không nốt. Ngay cả số điện thoại tụi nó cũng không để lại cho tôi liên hệ”. Ông kể thêm rằng cách đây mấy tháng, trước tết Nguyên đán, ông được thăm em gái mình một lần ở trại tạm giam của Bộ Công an. Khi đó, bà Ngợi nói với anh mình: “Em thua rồi! Em cam nhận số phận của mình. Chỉ mong anh hiểu, vợ chồng em làm ăn nhưng không gặp thời, đành thất trận”.

Ông Mỹ nhớ rõ bà Ngợi giải thích với ông một số lý do thất bại. Đó là lãi suất ngân hàng quá cao, giá cả tôm không ổn định, con tôm Việt Nam bị kiểm soát nghiêm ngặt về mặt chất lượng trên thị trường thế giới... “Phải chi thời điểm vừa mất cân đối tiền, tụi nó cứ tuyên bố phá sản, không cố cứu công ty thì đâu đến nỗi này. Bây giờ, tù tội đã đành còn mang món nợ không biết đời nào trả hết” - ông Mỹ ngậm ngùi.

Còn theo kết luận điều tra của Bộ Công an mới công bố, tổng số nợ mà bà Ngợi phải trả cho các ngân hàng lên đến 518 tỉ đồng. Sau khi trừ số tài sản 115 tỉ đồng, bà còn phải trả số tiền 402 tỉ đồng… Cũng theo kết luận điều tra của công an, mặc dù doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm nhưng Đặng Thị Ngợi vẫn chỉ đạo kế toán trưởng lập các báo cáo tài chính sai sự thật, phản ánh công ty kinh doanh có lãi để hợp thức hồ sơ vay.

Tương tự, Công ty TNHH Nhật Đức đóng ở TP Cà Mau cũng bị cơ quan chức năng kết luận đã dùng hồ sơ giả vay 213 tỉ đồng trong năm 2010 và 2011. Toàn bộ số tiền này dùng vào việc trả nợ cũ, một phần cho nợ mới. Đến nay, công ty này vẫn còn mang số nợ 321 tỉ đồng, trong khi tổng giá trị tài sản của công ty được định giá chỉ 27,4 tỉ đồng.

Bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhật Đức, từ chối nói về chuyện công ty mình. Tuy nhiên, bà xác nhận với chúng tôi toàn bộ sự thật đã khai với cơ quan điều tra và nó được phản ánh đúng trong bản kết luận điều tra của công an mà chúng tôi đang có.

Kết luận điều tra cũng cho hay do hoạt động thua lỗ trong nhiều năm, dư nợ ngày càng lớn, đến khi mất cân đối tài chính… nên một số “đại gia tôm” đã tìm cách lập hồ sơ gian dối, phản ánh không đúng sự thật để vay vốn.

Chơi xe khủng gắn biển tứ quý

CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an mới đây đã phối hợp với Công an TP Cần Thơ tống đạt các quyết định khởi tố, bắt ông Phan Bá Tòng, giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã. Ông Tòng từng được biết đến là một doanh nhân thành đạt trong ngành thủy sản.

Nhưng đến 2010, ngành cá tra Việt Nam bước vào giai đoạn khó khăn, công ty của Phan Bá Tòng cũng nằm trong vòng xoáy khắc nghiệt này. Từ năm 2012 đến nay, công ty lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính, nợ nần các ngân hàng và không còn khả năng thanh toán. Nhà xưởng của công ty hiện do chủ nợ quản lý hoặc cho doanh nghiệp khác thuê lại để gia công chế biến thủy sản xuất khẩu. Vì nợ ngân hàng số tiền lớn lại chịu lãi suất cao nên tình hình tài chính của Thiên Mã mất cân đối. Đã thế ông còn vay vốn mới thêm để trả nợ cũ nên ngày càng chìm trong nợ nần.

Ông Tòng không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản mà còn được nhiều người biết đến vì sở hữu những chiếc xe “khủng”. Trong đó có chiếc Hummer nhập từ Mỹ có giá hơn 4 tỉ đồng. Khi về Việt Nam nó được gắn biển tứ quý 95H-3333 làm nhiều người “lác mắt”.

_______________________________

Ông Đặng Văn Mỹ, anh ruột của bà Ngợi, nói: “Em tôi học hành rất giỏi, tính cách ngay thẳng, tử tế. Vợ chồng nó cưới nhau rồi là quyết liệt làm ăn. Trước khi thành lập doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản, chúng nó có vài chục tỉ đồng trong tay. Bây giờ ra nông nỗi vậy...”.

(Theo PLO)