Theo TS Đinh Thế Hiển, những người giàu xổi không cảm nhận được tầm sâu văn hóa nên tiêu xài xa xỉ để khoe và có sự ngưỡng mộ của công chúng.
Giàu xổi nên thích khoe
Theo một thống kê, Việt Nam đang là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới. Trong số đó, không ít người sẵn sàng vung tiền để sở hữu cả chục chiếc siêu xe, thưởng thức những món ăn hay dịch vụ xa xỉ.
Đánh giá về thói quen tiêu xài của những người lắm tiền nhiều của, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia những người siêu giàu ra làm 3 loại.
Dạng thứ nhất, những đại gia giàu lên nhờ lập doanh nghiệp, điều hành kinh doanh giỏi hay sáng tạo công nghệ, đầu tư tài chính bằng chất xám. Dù các ngành nghề kinh doanh khác nhau nhưng nhóm này đều có chung một yếu tố, đó là trí tuệ về tổ chức, tư duy cạnh tranh thị trường.
Dạng thứ hai, những người giàu xổi, kiếm được nhiều tiền nhờ buôn chuyến, chụp giật đầu cơ, đầu tư buôn bán gặp thời. Ở một số nước kém phát triển, khi quản lý kinh tế chưa được hoàn thiện, những người này còn liên quan đến lợi ích nhóm, quan hệ với quan chức thoái hóa, lợi dụng để phát triển.
Dạng thứ ba là những nghệ sĩ nổi tiếng có thu nhập vượt trội.
"Dạng đại gia thứ nhất thường xài tiền rất đơn giản, thậm chí nhà cửa không đầu tư lớn, xe cộ không đắt tiền. Warren Buffett là một ví dụ, tỷ phú giàu thứ ba thế giới vẫn ở căn nhà mua đã 50 năm trước trị giá 31.000 USD. Mỗi ngày, ông vẫn tự lái chiếc xe mua cách đây gần 20 năm với giá 18.000 USD.
Bill Gates xây nhà đắt tiền nhưng nó để phục vụ cho công nghệ chứ không phải khoe của.
Dạng thứ hai, nhà giàu xổi làm giàu trên những cơ hội nên thấy việc kiếm tiền rất dễ. Họ chỉ cần đồng tiền đẻ rất nhanh và nhiều, nhưng ngược lại, họ không cảm nhận được tầm sâu văn hóa nên tiêu xài xa xỉ để khoe và thỏa mãn sự ngưỡng mộ của công chúng. Họ biết công chúng không ngưỡng mộ họ vì trí tuệ mà vì tiền, cho nên họ càng phải xài để có sự ngưỡng mộ ấy.
Dạng thứ ba mặc dù xài rất nhiều như mua siêu xe, quần áo đắt tiền nhưng người ta không trách vì họ thuộc giới nghệ sĩ, cuộc sống thiên về cảm xúc và việc mua sắm cũng nằm trong việc quảng bá thương hiệu của họ.
Tóm lại, nhìn cách tiêu xài thì biết người ta thuộc nhóm giàu nào", TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Siêu xe Lamborghini Gallardo dát vàng trên đường phố Hà Nội |
Vị chuyên gia cũng chỉ ra thực tế rằng, ở Việt Nam, nhiều người mới chỉ sung túc về của cải mà thiếu đi sự trân trọng giá trị của văn hóa.
Trong khi sẵn sàng chi tiền cho siêu xe, quần áo, những món ăn, dịch vụ xa xỉ thì nhiều người có tiền ở Việt Nam lại treo tranh chép, tranh nhái. Không có quỹ từ thiện nào mang danh người giàu Việt, họ cũng không lộ diện trong vai trò Mạnh Thường Quân cho sân khấu, sách, bảo tàng...
Lý giải nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này, TS Đinh Thế Hiển cho rằng nó liên quan đến sự hội nhập.
"Khi nền kinh tế tiến từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường có những giai đoạn có những quy định chưa chặt chẽ, giám sát nhà nước lỏng lẻo, thậm chí có nhiều quan chức thoái hóa, lợi ích nhóm.
Từ đây xuất hiện những cơ hội làm giàu vượt trội không phải từ chất xám, tài năng kinh doanh. Nó làm số người giàu loại này tăng cao ở Việt Nam, đó là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, nợ công, nợ xấu ngân hàng lớn, sự bùng nổ của giá trị đất đai tạo ra giá trị gia tăng rất lớn, chúng không dựa trên giá trị từ sự đầu tư tính toán, mà chỉ là từ sự chụp giật cơ hội.
Chủ trương Nhà nước muốn đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp làm giàu nhưng rất khó bởi nhóm sản xuất không tích lũy được vốn, trong khi nhóm giàu xổi lại nắm trong tay nguồn lực này", ông nhận định.
Người giàu các nước "chơi" thế nào?
Theo TS Đinh Thế Hiển, trên thế giới, đối với nhóm người giàu từ trí tuệ sáng tạo, kinh doanh, họ dành phần lớn tiền thu nhập để tái đầu tư vào doanh nghiệp của mình, đưa chúng phát triển lên một tầm mới, theo chiều sâu.
Trong khi đó, ở Việt Nam chưa có những công ty lớn về chiều sâu mà chỉ lớn về quy mô, chưa thể có sản phẩm đem ra cạnh tranh với thế giới.
Phần tiền tiếp theo mới được các đại gia sử dụng cho cá nhân.
"Có những người đạm bạc nhưng cũng có những người xài sang. Họ có thể ăn bữa tối hàng nghìn USD nhưng những món ăn ấy thực sự tinh tế và có sức sáng tạo.
Xu thế gần đây, những người giàu trên thế giới thường làm từ thiện. Bên cạnh sở thích công nghệ mới, Bill Gates còn thích làm từ thiện. Ông hiến tặng gần hết tài sản kiếm được cho từ thiện. Hay tỷ phú Leon Cooperman cũng quyên hàng trăm triệu USD cho y tế và giáo dục...
Có thể thấy đại gia thực sự thì họ không nghĩ nhiều đến tiền nữa, mà chủ yếu chơi theo sở thích", TS Hiển cho biết.
(Theo Báo Đất Việt)