Câu chuyện xoay quanh chức danh Đại sứ du lịch vẫn lại là tiền... tiền... tiền... trong vũ điệu hoang mang giữa thương mại và văn hóa.

Quay đi... tiền, quay lại... tiền

Có thể nói, nếu văn hóa - di sản là giá trị tinh thần, thì du lịch là tìm cách khai thác những giá trị đó ra tiền. Xét theo khía cạnh ấy, việc sát nhập ba bộ ngành thành Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) được trông đợi sẽ tạo ra sự nhất quán, tập trung trong công tác quản lý và phát triển.

Nhưng có vẻ sự "nhất quán" đó lại khiến những động thái như khuếch trương di sản, du lịch tâm linh, lễ hội và các hoạt động thương mại văn hóa thừa cơ nở rộ và có xu hướng ngày càng ồn ào. Giữa bối cảnh đó, sự xuất hiện một Đại sứ Du lịch (ĐSDL) là diễn viên, doanh nhân... nổi tiếng càng khiến câu chuyện văn hóa - thương mại thêm đa sắc.

Còn nhớ, Bộ VH-TT-DL đã hồ hởi chào đón và giới thiệu vị tân Đại sứ Lý Nhã Kỳ, nhấn  mạnh vào ưu điểm "tự trang trải kinh phí trong các chuyến đi công vụ" của cô như một tiêu chí nổi bật cho chức danh này. Rồi sau đó, câu chuyện xoay quanh ĐSDL vẫn lại là tiền... tiền... tiền... trong vũ điệu hoang mang giữa thương mại và văn hóa.

Nhiều người suy đoán, tới đây, tiềm lực kinh tế cũng sẽ trở thành tiêu chí tiên quyết cho việc chọn đại sứ kế nhiệm. (Thế nên, có vẻ là lạc quan thái quá khi một vài ứng cử viên ĐSDL mạnh dạn tuyên bố tiền và kim cương không quan trọng).

Và chuyện tiền cũng trở đi trở lại trong biện giải của ông Tổng cục trưởng du lịch về tình trạng quảng bá yếu kém. Trăm nỗi đều do... thiếu tiền. Du lịch không phát triển: thiếu tiền; công tác xúc tiến không hiệu quả: thiếu đầu tư; bộ máy làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm: vì đều bận xin kinh phí, v.v...

Một ban ngành được đặt để kiếm tiền cho đất nước, lại kêu đất nước không cho tôi tiền. Lý luận quẩn quanh như chiến lược hành động, khiến ông phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển du lịch (tổng cục Du lịch - TCDL) Phạm Trung Lương phải "dội gáo nước lạnh" khi phát biểu: "Nếu TCDL ngừng xúc tiến, tôi tin khách quốc tế vẫn vào đông!".

Còn chủ một doanh nghiệp lữ hành mỗi năm tham dự 9 - 10 hội chợ du lịch quốc tế cũng thẳng thắn nhận xét: "Lãnh đạo TCDL không nên lấy lý do Chính phủ cấp ngân sách quá ít làm "cái phao" để bao biện cho những yếu kém trong quảng bá du lịch ra nước ngoài. Nhà nghèo vẫn có cách làm của nhà nghèo. Gần đây, tôi thấy Lào, Campuchia, Myanmar quảng bá du lịch tốt hơn Việt Nam dù họ nghèo hơn mình nhiều".

Cũng liên quan đến tiền bạc, hãy nhìn vào hai thành tích nổi bật mà Bộ VH-TT-DL làm được trong thời gian vừa qua.

Trước hết là thành tích vận động bầu chọn cho Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Chi phí cụ thể vẫn chưa được công bố, nhưng nhẩm tính sơ qua một cuộc bầu chọn rầm rộ với đầy đủ ban bệ cũng có thể thấy tốn kém không ít. Vậy mà mới đây, một vị thứ trưởng ngoại giao đã phải bỏ qua sự khôn ngoan kín kẽ của nghề để thẳng thừng phê phán đó là một... cú hớ.

Tiếp đến là thành tích Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 2019. Sau phút hoan hỉ ban đầu, báo chí mới vỡ lẽ ra chúng ta là nước... duy nhất ứng cử đăng cai. Một trong những lý do chính khiến các nước không tham gia là tốn kém, nước chủ nhà sẽ phải chi ra khoản tiền khổng lồ.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, bong bóng phá sản treo lơ lửng khắp nơi, người dân chắt chiu từng chút, thì thành tích tiêu tiền ấy quả là đáng nể.

{keywords}
ĐSDL Lý Nhã Kỳ trong đêm dạ hội mừng Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách sơ bộ 7 kỳ quan mới của thế giới. Ảnh: Đức Tuyển/ VNE

Quảng bá du lịch hay quảng bá... đại sứ?

Câu chuyện Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị cắm sổ đỏ, khiến một lần nữa dư luận lại sửng sốt, "tô điểm" thêm những kỳ tích thành cổ "lò gạch", dân ca "lẩu" hay lễ hội "giẫm đạp"... Những di sản vật thể và phi vật thể có nguy cơ bị chuyển hóa, thay đổi, hoặc khai thác quá đà, đang đứng trước nhiều nguy cơ.

Trong sự náo loạn ấy, Bộ VH-TT-DL được trông đợi có những động thái đúng đắn, kịp thời để ngăn chặn sự hủy hoại, biến dạng di sản; giúp người dân nâng cao nhận thức đúng đắn về giá trị văn hóa quốc gia. Đó không chỉ là cốt lõi tinh thần quốc gia, mà chính là sản phẩm du lịch. ĐSDL hẳn là người chuyển tải những giá trị đó tới công chúng.

Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, chức danh ĐSDL và ngay cả quá trình tuyên bố ứng cử vẫn chỉ như phụ kiện làm nổi bật các mỹ nhân. Công vụ quốc gia thành trang sức tô điểm.

Theo đề xuất từ Bộ VH-TT-DL, sắp tới sẽ còn nhiều ĐSDL cho các vùng miền, tại nước ngoài sẽ tiếp tục được bổ nhiệm. Những chương trình quảng bá chọn quốc hoa, quốc phục sẽ rầm rộ hơn nữa. Hy vọng lúc đó, những nỗ lực của Bộ và ĐSDL sẽ gắn liền với vấn đề thiết thực của... du lịch và nền kinh tế - văn hóa ngày càng nhiều xáo trộn.

Trong một bài viết, tôi từng đề cập đến tình trạng vệ sinh tồi tệ ở Hội Lim, di sản phi vật thể thế giới. Đến nay, tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình: những người làm văn hóa nên bắt đầu từ những việc thiết thực, có ích, chẳng hạn như xây hệ thống nhà vệ sinh ở các di sản.

Đừng nói là di sản tầm thế giới, mà di sản tầm Thái Dương hệ, thì những sự mông muội tưởng nhỏ như chuyện thiếu nhà vệ sinh cũng sẽ đuổi khách du lịch một đi không trở lại. Những hoa, những áo được chọn lựa hô hào rầm rộ, nhưng sẽ chẳng ai nhớ. Nhưng những ấn tượng xấu về sự nhếch nhác mông muội sẽ lan truyền khắp nơi.

Lý Nhã Kỳ hay bất cứ công dân nào cũng đều có quyền ứng cử chức danh ĐSDL nếu thấy mình phù hợp. Nhưng trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tuyển chọn để chức danh này hữu danh, hữu cả thực và không thành miếng mồi cho đàm tiếu vẫn phải thuộc về Bộ VH-TT-DL.

Và cao hơn, Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm khi sử dụng từng đồng tiền. Nếu không, những người còng lưng đóng thuế sẽ khó chấp nhận được việc ngốn tiền vào những "siêu phẩm" không đâu, rồi lại quay ra than thở thiếu tiền nên chẳng thể làm tốt việc gì.

Hoàng Hường