- Thưa đại sứ, đã từng có nhiều bên tham gia đàm phán về vấn đề Triều Tiên nhưng rồi phải đợi đến Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un thì việc giải quyết vấn đề mới được đẩy lên cao trào như hiện nay. Ông nhìn nhận vai trò cá nhân ở đây như thế nào?

- Nếu cá nhân hai ông Trump và Kim không dám vượt qua thông lệ, không dám quyết đoán về những quyết sách của mình thì chưa chắc đã có ngày hôm nay. Nhưng đồng thời, tôi muốn nhắc đến người thứ 3 là ông Moon Jae-In, Tổng thống Hàn Quốc người quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai bên. Ở từng thời điểm lịch sử khác nhau mà không có những con người như vậy thì rất khó. 

- Như đại sứ biết, trước cuộc họp thượng đỉnh này, báo chí Triều Tiên đã bày tỏ thông điệp quan trọng là không thể ép Triều Tiên được. Đây là điểm xác đáng trong đàm phán… 

- Câu chuyện này nên có một cách tiếp cận khác. Anh mà đẩy người ta đến đường cùng thì người ta sẽ chống lại bằng mọi cách. Nước Mỹ bỏ cấm vận nhưng không mất cái gì cả, còn người ta bỏ vũ khí hạt nhân mà không được đảm bảo cho sự tồn vong của chế độ thì đời nào họ chịu. Nước Mỹ bỏ cấm vận hay giữ cấm vận cũng chỉ là vị thế của người lãnh đạo thế giới, có siết thêm nữa cũng chẳng được thêm gì cả. Nhưng nếu Mỹ nới một tí, làm người ta cảm thấy không bị đe doạ thì người ta sẽ đi cùng. Đó là bước lớn. Việc thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để có thể song trùng lợi ích dù ở mức khập khễnh hay thế nào đó vẫn tốt hơn nhiều.

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh: cả Mỹ-Triều đều trông đợi kết quả đàm phán

- Nói điều này thì hơi sớm, nhưng ông hình dung như thế nào về con đường Triều Tiên có thể đi? Sẽ là đổi mới bên trong và mở cửa hội nhập?

- Mô hình của Việt Nam chúng ta là kinh tế thị trường kết hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Triều Tiên có thể lựa chọn mô hình nào đó nhưng chắc chắn cần có một chút quy luật kinh tế thị trường. Lựa chọn mô hình nào là của họ nhưng chắc chắn, giải phóng sức lao động để tăng năng suất, tăng hiệu quả và thu hút nguồn lực xã hội là rất quan trọng, mà điều này lại gắn với kinh tế thị trường.

Đi cùng với thay đổi phương thức quản lý kinh tế đó, chắc chắn phương thức tạo động lực để giải phóng sức lao động là rất quan trọng. Những chính sách về xã hội từ tiền lương, thu nhập, bảo hiểm phải đi song hành. Để song hành được thì sau khi có những quyết sách định hướng chính trị phải có khung pháp lý.

Liên quan đến quan hệ với bên ngoài, họ có hai chiều cần quan tâm, một chiều thu hút nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ cho phát triển, thứ hai là vươn ra để tranh thủ những cơ hội bên ngoài, đặc biệt là thị trường thế giới. Họ lựa chọn thế nào là một cách, bước đi lộ trình như thế nào còn là cách khác.

Nhìn lại Việt Nam, chúng ta mãi mới mở cửa sau thống nhất 1975, mãi mới công nhận có 5 thành phần kinh tế sau Đổi mới 1986. Chúng ta quyết tâm Đổi mới và mở cửa nhưng chưa thực sự có khung pháp lý cho 5 thành phần kinh tế, phải đến đầu những năm 90 mới thực sự xây dựng khung pháp lý.

Vì thế, tôi nghĩ, họ sẽ đi từng bước, vừa làm vừa tính toán sao cho phù hợp với lợi ích của chế độ. Về mô hình, có thể họ kết hợp giữa các yếu tố chính trị nội bộ của họ với một số quy luật của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, có thể họ phải có một lộ trình hội nhập và mở cửa, phù hợp với nền chính trị trong nước và mức độ phát triển trong nước.

- Thưa đại sứ, vắng bóng các bên thứ ba, thậm chí Liên Hiệp Quốc, liệu hội đàm có tạo được hiệu quả thực sự?

- Ở đây có 2 câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất là tạo sự đột phá trong việc giải quyết vấn đề quanh bán đảo Triều Tiên là câu chuyện của Mỹ và Triều. Câu chuyện thứ hai, phải bảo đảm lợi ích của các bên khác liên quan. Dù họ không tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán này nhưng những quy trình và quá trình tham khảo ở những kênh khác nhau đang diễn ra đồng thời. Mỹ đã đi Trung Quốc, Mỹ đi Hàn Quốc, Mỹ đi Nhật; Triều Tiên đi Trung Quốc, Triều Tiên đi miền Hàn Quốc và vẫn tiếp tục diễn ra. Đến lúc chốt, tôi cho rằng, cần có giải pháp tổng thể nào đó; còn bây giờ họ đang cố gắng tạo đột phá ở những nút thắt khó nhất.

Điều tôi hi vọng nhất là hai bên thỏa thuận được lộ trình phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, dỡ bỏ cấm vận và có những bước đi tiến tới bình thường hoá quan hệ Mỹ - Triều. Kết quả đó sẽ tạo động lực cho bình thường hoá các mối quan hệ và chấm dứt tình trạng chiến tranh, tái lập hoà bình ở bán đảo Triều Tiên, và giải quyết nhiều vấn đề khác có liên quan đến các nước xung quanh.

- Thưa đại sứ, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết giữa Mỹ và Triều Tiên trong hội đàm là gì?

- Trong suốt thời gian dài vừa qua có rất nhiều vấn đề, nhưng nói ngắn gọn, có hai vấn đề cốt lõi nhất là phi hạt nhân hoá; bình thường hoá các mối quan hệ và dỡ bỏ lệnh cấm vận. Hai nội dung này đan xen chằng chịt lẫn nhau. Ngoài ra còn có nhiều câu chuyện khác như quan hệ song phương Mỹ - Triều, quan hệ các nước trong khu vực, bảo vệ an ninh cho các nước trong khu vực trong đó có Triều Tiên. 

- Ông hình dung như thế nào một lộ trình khả thi cho hai bên trong cuộc gặp ở Hà Nội?

- Vấn đề bán đảo Triều Tiên có rất nhiều khía cạnh nên tôi rất trông đợi nó tiến bộ trên từng khía cạnh. Song, vấn đề cốt lõi là cần có động thái giải quyết, có lộ trình cho việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên với những cam kết mới của Triều Tiên trong việc ngừng thử, trong việc dỡ bỏ một phần kho vũ khí hạt nhân, trong việc đặt ra lộ trình xem xét phá huỷ một số cơ sở hạt nhân nào đó có sự giám sát của quốc tế. Đó là khía cạnh rất quan trọng, có tính quyết định.

Thứ hai, hai bên hướng tới chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình và bình thường hoá quan hệ. Đương nhiên câu chuyện về hoà bình, chấm dứt chiến tranh ở đây liên quan đến nhiều nước hơn là hai nước Mỹ - Triều. Nhưng nếu Mỹ và Triều Tiên tuyên bố chấm dứt tình trạng thù địch cũng là bước khởi đầu tốt đẹp; hoặc Mỹ nới lỏng một phần để tạo động lực cho các tiến trình khác trong đó có tiến trình phi hạt nhân hoá. Ví dụ, tôi thấy có thông tin nói rằng có thể giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên được phép trao đổi một số lĩnh vực kinh tế hợp tác với nhau thì đó là những khởi động tốt và có ý nghĩa.

- Ông có thể phân tích điểm khác biệt trong hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore tháng 6/2018 và  ở Hà Nội tháng 2/2019?

- Hội nghị ở Singapore là cấp cao lần đầu tiên, khởi đầu tiến trình đối thoại cấp cao giữa hai nước cựu thù. Còn cuộc gặp lần này sau 8 tháng, rõ ràng, Mỹ-Triều đều trông đợi phải có kết quả gì đấy. Đây là điểm khác biệt lớn. Tôi quan sát trong 8 tháng qua dù có những phát triển thuận nghịch khác nhau nhưng rõ ràng không chỉ 2 bên Mỹ - Triều mà còn có các bên trong khu vực này bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản có những động thái đóng góp vào môi trường xây dựng, thúc đẩy đối thoại, hướng tới giải quyết vấn đề.

Đó là việc trao trả hài cốt, có những cam kết từ phía Mỹ sẽ bảo đảm an ninh tốt hơn cho Triều Tiên, hay phía Triều Tiên trong suốt thời gian qua không thử vũ khí gì cả. Đặc biệt câu chuyện giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đã có những động thái rất lớn. Tất cả những điều đó là thuận lợi. Chính vì vậy, khác biệt lần này là người ta kì vọng sẽ đạt được kết quả lớn hơn, cụ thể hơn so với lần trước.

Tôi hi vọng, có một cam kết nào đó về một lộ trình phi hạt nhân hoá, có tuyên bố nào đó chấm dứt thù địch để hướng tới hoà bình, hay việc nới lỏng quan hệ, ngay quan hệ Mỹ - Triều,… để khởi đầu cho một bước phát triển mới.

- Ông nhìn nhận như thế nào khi Việt Nam là quốc gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều?

- Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh là kết quả của một quá trình đổi mới, hội nhập, ngày càng tham gia có trách nhiệm hơn trong các vấn đề quốc tế. Chúng ta có quan hệ tốt với cả hai nước. Tuy nhiên, có 2 lý do cốt lõi. Thứ nhất, vị thế của Việt Nam, thế giới biết đến Việt Nam và Việt Nam có thể tham gia vào những công việc của thế giới. Thứ hai, Việt Nam là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong những vấn đề phức tạp và nhạy cảm của những bên cựu thù. Họ họ tin rằng, Việt Nam đủ năng lực để tổ chức những hoạt động quốc tế lớn về vật chất, hậu cần, an ninh, truyền thông. 

Thực tế là Việt Nam chuẩn bị trong thời gian vừa qua rất khẩn trương, trách nhiệm và rất tốt. Chúng ta chỉ được thông báo là địa điểm tổ chức cách đây chưa đầy 2 tuần, và trong hai tuần đó họ liên tục cập nhật những yêu cầu các bên. Việt Nam được gì lớn nhất từ Hội nghị này? Đó là uy tín của đất nước chúng ta.

Lan Anh thực hiện