Anh có lẽ là nhà báo bị giả mạo Facebook cá nhân nhiều nhất và cũng bị các thế lực thù địch ném đá nhiều nhất trên mạng xã hội.
Nhà báo “hai lần chiến sĩ”
Hiện Đại tá Nguyễn Văn Minh là Trưởng Phòng biên tập Báo Quân đội nhân dân điện tử, một tờ báo có tới 5 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Lào, tiếng Khơ me và chuyên trang Media chuyên về tác phẩm phát thanh truyền hình, nên công việc của anh bận rộn, quay cuồng từ sáng đến khuya.
Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết, báo Quân đội nhân dân có rất nhiều cây bút chính luận, nhưng không có ai chuyên trách chỉ làm lĩnh vực này bởi mọi người đều phải làm những mảng công việc khác giống như anh.
“Nhưng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo nghị quyết 35 của Bộ Chính trị luôn đòi hỏi sự xung kích, đi đầu của những nhà báo “hai lần chiến sĩ”, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam” - anh tâm sự.
Đại tá Nguyễn Văn Minh |
Không gian mạng, cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay luôn là những lĩnh vực nóng bỏng. Báo Quân đội nhân dân với sứ mệnh luôn đi đầu trên lĩnh vực đấu tranh rất nóng nhưng cũng rất khó này. Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết, ngoài việc mở và duy trì chuyên mục “Làm thất bại chiến lược Diễn biến hòa bình” đã tồn tại hàng chục năm nay, gần đây báo mở thêm chuyên mục “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Riêng báo Quân đội nhân dân điện tử mới đây đã mở thêm chuyên mục “Bản tin 35 Online” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện các tác phẩm chính luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng ngôn ngữ truyền hình, media.
“Cơ duyên đến với “nghiệp” bút chiến cũng rất tình cờ. Trước đây, những bài chính luận này thường do các nhà báo gạo cội, có thâm niên hoặc các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện. Dần dần, báo Quân đội nhân dân đã có sự chuyển hướng chiến lược là xây dựng đội ngũ “bút chiến” trẻ tuổi. Họ hầu hết là những phóng viên, sĩ quan được trang bị đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn” - Đại tá Nguyễn
Văn Minh chia sẻ.
Bút chiến thời 4.0
Vào khoảng trước và sau năm 2010, mạng xã hội ở Việt Nam chưa phát triển như bây giờ, hình thức giao lưu phổ biến trên internet lúc bây giờ là qua công cụ chát yahoo và các blog.
Nhà báo Nguyễn Văn Minh từng viết blog về mảng đề tài chính luận và chủ động phản bác trực diện những quan điểm “lề trái”. Trang blog của anh ban đầu chưa nhiều người theo dõi nhưng lại được khá nhiều trang mạng, đài báo nước ngoài “quan tâm”. Thậm chí đã có một số bài viết theo kiểu tấn công cá nhân đối với anh. Một hội nghị các blogger nổi tiếng thế giới tổ chức ở nhiều quốc gia đã từng mời anh tham dự song anh từ chối.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Minh (người đứng) trong một cuộc họp |
“Hiện nay, mạng xã hội là lĩnh vực rất được chúng tôi quan tâm để thông tin tới bạn đọc cùng với phát triển các trang báo điện tử chính thống. Chính vì vậy, chúng tôi có các trang mạng xã hội của báo Quân đội nhân dân trên nhiều nền tảng số như Facebook, Youtube, twitter, Lotus. Khi xây dựng bản tin 35 Online hiện nay, chúng tôi cũng hướng tới phản ánh cả những thông tin, luồng dư luận tích cực trên các trang mạng xã hội…” - nhà báo Nguyễn Văn Minh thông tin.
Theo anh, bút chiến hiện nay không chỉ là đấu tranh, phản bác mà phải bao gồm cả việc khẳng định những chủ trương, quan điểm, đường lối đúng đắn, những thành tựu thực tiễn.
“Bút chiến” không chỉ là các bài lý luận “chuẩn chỉnh” mà phải đa dạng bằng nhiều hình thức sinh động, đa phương tiện, hấp dẫn khác, phù hợp với tâm lý, sở thích của nhiều đối tượng bạn đọc, nhiều lứa tuổi.
Không ít gian truân
Những ngòi bút chiến đấu đỏ rực lý tưởng như Nguyễn Văn Minh không phải chỉ đi trên những con đường bằng phẳng. Đúng như tiết lộ của Đại tá Đỗ Phú Thọ, anh luôn là một trong những người bị giả mạo Facebook nhiều nhất. Sau nhiều bài viết của anh trên báo và trên mạng xã hội, anh đã nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn chửi bới, đe dọa, lăng mạ, thậm chí dọa giết. Đã một vài lần, kẻ xấu còn mạo danh Facebook của anh để nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, hòng gây chia rẽ, nghi ngờ trong nội bộ, hạ thấp uy tín, hình ảnh quân đội.
“Khi gặp những sự việc như vậy, mình luôn được sự tin cậy, bảo vệ rất lớn của cấp ủy Đảng, người chỉ huy các cấp nhưng cũng phải thực hiện các báo cáo, giải trình theo đúng quy định của Đảng, của quân đội. Nhiều khi cũng phiền phức, mất thời gian, rồi cũng bị dư luận hiểu lầm. Nhưng nếu thiếu bản lĩnh thì sẽ nản chí, không dám làm gì cả” - Đại tá Nguyễn Văn Minh khẳng định.
Nhiều tác phẩm chính luận do anh và đồng nghiệp thực hiện đã đoạt nhiều giải A, giải B giải báo chí quốc gia, giải báo chí Búa liềm vàng song niềm vui, niềm hạnh phúc và vinh quang lớn nhất của những nhà báo chính luận, những ngòi bút chiến đấu chính là niềm tin, sự cổ vũ của bạn đọc, của nhân dân trước những bài báo sắc bén, có tác dụng định hướng dư luận.
Theo anh, dù thế nào thì những nhà báo chiến sĩ cũng luôn có mặt ở những nơi khó khăn, phức tạp, nóng bỏng nhất của cuộc sống. “Có chúng tôi, những nhà báo hai lần chiến sĩ, sẵn sàng đứng nơi đầu sóng ngọn gió của mặt trận tư tưởng, sẵn sàng đón nhận và vượt qua mọi bão giông” - anh khẳng định.
Phạm Tuấn Minh
Báo chí phải tranh thủ công nghệ hiện đại để "đi tắt đón đầu"
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, báo chí là một bộ phận rất quan trọng, mũi nhọn, vũ khí tự lực sắc bén về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.