Huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, là một trong 22 huyện nghèo của cả nước. Trong giai đoạn 2021 - 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Đắk Glong được bố trí hơn 360 tỷ đồng.

Địa phương tập trung đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở... cho người dân nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản với nhóm đối tượng yếu thế.

Lo từ nhà ở cho người dân nghèo

Năm 2024, theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện Đắk Glong, địa phương được bố trí 20,6 tỷ đồng thực hiện Dự án 5 hỗ trợ nhà ở cho người dân nghèo, cận nghèo.

Theo rà soát, huyện Đắk Glong còn hơn 3.300 hộ dân khó khăn về nhà ở. Trong đó, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa 1.700 căn, xây mới 1.600 căn. Các xã có nhu cầu xây sửa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo nhiều nhất là Quảng Hòa 410 căn, Quảng Sơn hơn 240 căn, Đắk R’măng 227…

Tại xã Đắk R'măng, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn tới 22,73%, lãnh đạo UBND xã cho biết, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã đề xuất hỗ trợ xây dựng 42 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và đã được huyện phân bổ kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng (vốn năm 2022). Năm 2023, xã tiếp tục được huyện phân bổ thêm 3,6 tỷ đồng để thực hiện dự án.

Bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, địa phương còn huy động nguồn lực xã hội hóa để người dân có nơi ở kiên cố, ổn định.

Gia đình anh K’Thắng, bon Sanar, xã Đắk R’măng, là một trong các hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở, đất ở, thay thế cho căn nhà tạm bợ, dột nát. Sống trong mái ấm cấp 4 kiên cố và được xây dựng trên mảnh đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, anh K'Thắng càng thêm động lực, tự tin.

Anh kể, trước đây gia đình sống phụ thuộc vào vài sào đất rẫy, chỉ đủ ăn với nuôi 3 con đi học, việc mua đất, làm nhà là ước mơ. Khi có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, bố mẹ đã cắt cho anh một phần đất, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện đo đạc, cấp sổ. Rồi anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo, thêm nguồn hỗ trợ từ người thân, gia đình, anh quyết tâm xây nhà mới. Cuối năm 2023, gia đình anh thoát khỏi hộ nghèo; anh phấn đấu cuối năm 2024 thoát hộ cận nghèo.

Tại xã Đắk R’măng, có 11 hộ được hỗ trợ đất ở và 12 hộ khác được hỗ trợ nhà ở. Đến cuối năm, xã Đắk R'măng tập trung nguồn lực, phấn đấu hỗ trợ hết cho các đối tượng theo kế hoạch.

W-giam ngheo 2 (11).jpg
Hỗ trợ bà con nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển các mô hình sinh kế, học nghề là ưu tiên hàng đầu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đến sinh kế, đào tạo nghề có việc làm ổn định, bền vững

Huyện Đắk Glong có địa hình rộng, đồi núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. 6 trên 7 xã ở huyện này thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xác định giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu, huyện hỗ trợ người dân tìm và phát huy sinh kế phù hợp.

Theo UBND huyện Đắk Glong, thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững), ngành chức năng của huyện đã hỗ trợ các xã phát triển nhiều mô hình đa dạng hóa sinh kế. Tổng cộng có 290 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được thụ hưởng hỗ trợ. Các mô hình phổ biến bao gồm: trồng dâu, nuôi tằm; nuôi dê sinh sản; nuôi bò sinh sản; nuôi gà... 

Huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật cải tạo chăm sóc cà phê; kỹ thuật chăn nuôi dê để hỗ trợ nông dân vững vàng về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, sản xuất, đảm bảo đồng vốn hỗ trợ phát huy hiệu quả và giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Trồng dâu, nuôi tằm được coi là mô hình thoát nghèo mới với đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương nghèo này. 

Với những người dân tộc Mạ như chị H Oi, trú tại thôn 3, xã Quảng Khê, trồng dâu nuôi tăm là nghề hoàn toàn mới. Sau quá trình quan sát thấy không quá khó để làm, dâu lại là loại cây dễ trồng và cho thu hoạch đều đặn, ít sâu bệnh, trong khi đất trồng dâu không thiếu, chị quyết tâm học nghề và theo nghề. 

Hàng tháng, chị nuôi 2 đợt, mỗi đợt 2 hộp giống. Trừ chi phí, chị kiếm thêm được 15 triệu đồng, số tiền rất lớn đối với gia đình từng là hộ nghèo này. Chị trở thành một trong những người dân tộc Mạ đầu tiên ở xã tiên phong với nghề.

Theo UBND xã Quảng Khê, năm 2021, khi huyện triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hàng chục hộ dân trong xã đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cây giống, trang thiết bị, con giống để nhân rộng, phát triển các mô hình trồng dâu nuôi tằm. Hầu hết các hộ dân tham gia mô hình hiện đều đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Trong đó, có hơn 10 hộ là đồng bào dân tộc Mạ. Hiện, 6 xã tại huyện Đắk Glong đều có người dân theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. 

Huyện xác định hỗ trợ bà con nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển các mô hình sinh kế, học nghề là ưu tiên hàng đầu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả, có căn cứ để nhân rộng cũng đòi hỏi cách làm bài bản.

Huyện mời các hộ dân tâm huyết, quyết tâm làm tham gia mô hình trước. Các hộ được tập huấn, cấp con giống, hỗ trợ chuồng trại, vật tư phục vụ chăn nuôi cho đến kết nối đầu ra cho sản phẩm. Khi bà con trong bon, buôn thấy được những hộ đang làm trong dự án, thụ hưởng các chương trình đạt được kết quả tốt, phong trào sẽ lan tỏa dần, bà con bắt đầu học hỏi và làm theo. 

Từ những cách làm thiết thực, công cuộc giảm nghèo tại huyện Đắk Glong đang cho kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,44% (giảm 25,71% so với năm 2021), hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số còn 22,24% (giảm 41,43% so với năm 2021).

Năm 2024, Đắk Glong phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo về dưới 10%; Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đạt hơn 17,2 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 1,8 lần so với năm 2020). Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt các tiêu chí thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn.