Ông Nguyễn Khắc Tuấn - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Việc triển khai chương trình được Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng người và hiệu quả như người nhận sổ bảo hiểm xã hội phải là người dân tộc thiểu số, ưu tiên là cán bộ không chuyên trách tổ, thôn… chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Người nhận thẻ bảo hiểm y tế phải thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, là người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã vùng I, người khó khăn chưa tham gia bảo hiểm y tế… Đây là nguồn kinh phí mua sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế do cán bộ, nhân viên ngân hàng quyên góp ủng hộ”.
Tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, một số đơn vị bảo hiểm xã hội huyện, thị xã đã linh động lồng ghép, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp cho người dân về: chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, hội nghị giao ban công tác chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn… “Các thức tổ chức linh hoạt này góp phần lan tỏa ý nghĩa của chương trình, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đến người dân”, ông Nguyễn Khắc Tuấn chia sẻ.
Ông Y Wem Hwing - Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar bày tỏ: “Năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, đời sống, xã hội, đặc biệt tác động mạnh đến thu nhập, đời sống của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện miền núi của tỉnh... Việc hỗ trợ tặng thẻ bảo hiểm y tế và sổ bảo hiểm xã hội là một việc làm cụ thể, sát thực, thể hiện rất lớn sự chung tay, chung sức, đồng lòng của các cơ quan, doanh nghiệp với người dân của tỉnh nhà; giúp giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh của người dân có hoàn cảnh khó khăn khi đi khám, chữa bệnh, được hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội tự nguyên; điều đó góp phần làm cho bà con được động viên, được an ủi, được thấy xã hội quan tâm để hướng đến nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Thúy Ngà