Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế chính trị, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước.

Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ thời Pháp thuộc. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, một bước ngoặt lớn ghi nhận vị thế và tầm vóc của tỉnh. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, địa danh Đắk Lắk đã gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với Nhân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách và những thành quả lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

2211 Đại biểu.jpg
Quang cảnh buổi lễ

Từ ngày thành lập đến nay, Đắk Lắk đã trải qua nhiều chặng đường chuyển mình và phát triển cùng lịch sử dân tộc. Trải qua quá trình lịch sử 120 năm thành lập và phát triển, đến nay Đắk Lắk đã trở thành một tỉnh khá của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên; kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Giai đoạn 2021 - 2023, giá trị tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 172.659 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 74,69 triệu đồng/người (năm 2024). Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm; tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường, biên giới của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; hợp tác quốc tế và liên kết vùng được thúc đẩy có hiệu quả.

Với vị thế quan trọng, chiến lược đối với vùng Tây Nguyên và quốc gia, Đảng và Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, kiến tạo nền tảng, định hướng phát triển cho toàn vùng, tạo cơ sở, căn cứ quan trọng để tỉnh Đắk Lắk triển khai, thực hiện các chiến lược phát triển, đặc biệt là Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mở ra cơ hội để Đắk Lắk tạo lập vị thế, định hình không gian phát triển mới, trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng khẳng định khát vọng, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định, với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm và vị thế chính trị - xã hội hiện tại, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nguyện sẽ tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước; trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

buoile.jpg
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ.

Tham dự buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong thời gian qua.

Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính của vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), đặc biệt là Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; Nghị quyết số 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột và Quyết định số 1747 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 Đắk Lắk “trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống”.

Lâm Viên