Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Đắk Nông. Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Trong năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 481 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 330 tỷ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 307,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này đang rất chậm. Tính đến giữa tháng 7/2023, nguồn vốn của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân trên 24 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Phân bổ nguồn vốn chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao
Giai đoạn 2021-2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông đã huy động hơn 72.000 tỷ đồng đầu tư vào khu vực nông thôn. Đến nay Đắk Nông đã có 36/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50% mục tiêu đến năm 2025; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 8% so với mục tiêu đến năm 2025.
Ngoài thành phố Gia Nghĩa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Đắk Nông chưa có địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,62 tiêu chí nông thôn mới/xã, tăng 0,84 tiêu chí so năm 2020. Hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp, ngày càng khang trang và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai, quán triệt về xây dựng nông thôn mới ở một số nơi, một số địa phương đôi lúc chưa kịp thời, thiếu chiều sâu. Điều này dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ mục tiêu, nội dung của xây dựng nông thôn mới.
Kết quả giữa các địa phương có khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn. Chất lượng đạt chuẩn của nhiều tiêu chí chưa cao, thiếu chiều sâu, chưa thật sự bền vững.
Một trong những vướng mắc chung của cả 3 chương trình, làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân là do phải chờ HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết phân cấp cho HĐND huyện và phải chờ điều chỉnh Nghị quyết số 58, ngày 14/12/2022 của HĐND tỉnh, điều chỉnh nguồn ngân sách địa phương đối ứng từ ngân sách cấp tỉnh sang ngân sách tỉnh, huyện, xã.
Mặt khác, do thu ngân sách đạt thấp, các huyện, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo tỷ lệ tối thiểu 1:1 so với ngân sách trung ương hỗ trợ.
Cũng liên quan đến tỷ lệ vốn đối ứng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định, giảm tỷ lệ đối ứng đối với những địa phương còn khó khăn như tỉnh Đắk Nông.
Không có quỹ đất bố trí cho các đối tượng thụ hưởng
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, các địa phương đang đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, một số dự án cũng gặp vướng mắc.
Đơn cử, với chương trình giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất… đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương đều không có quỹ đất bố trí cho các đối tượng thụ hưởng.
Trong thực tế thì không phải hộ gia đình nào thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách cũng cần có đất sản xuất vì có những gia đình, họ không còn đủ sức lao động nên không nên hỗ trợ đất sản xuất. Vì vậy nên xây dựng chính sách hỗ trợ linh hoạt cho đối tượng này. Hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động có thể tham gia lao động tại nhà máy, công ty thì hỗ trợ đào tạo nghề. Hộ gia đình có người khó tuyển dụng vào các nhà máy, công ty (độ tuổi 45 trở lên) thì hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ mua máy móc, công cụ, dụng cụ để phát triển sản xuất tại địa phương để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và thị trường lao động hiện nay.
Còn với chương trình giảm nghèo bền vững, việc giải ngân vốn thuộc nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn vẫn đang phải chờ các cơ quan Trung ương điều chỉnh bổ sung quy định.
Quyết tâm vượt khó, giải ngân 90-100% nguồn vốn này
Nhìn tổng kế hoạch vốn đầu tư công tại Đắk Nông, nguồn vốn dành cho các chương trình MTQG năm nay chiếm 16%.
Xác định, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân ở những huyện nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Đắk Nông đang tập trung khắc phục khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc.
Đắk Nông phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2022 và 90% kế hoạch vốn được giao năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, cùng với việc tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành trung ương cho cơ chế đặc thù triển khai những công trình, dự án của các chương trình MTQG nằm trên quy hoạch bô xít và ba loại rừng, UBND tỉnh đề nghị 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình không vướng quy hoạch.
UBND tỉnh yêu cầu tất cả các huyện rà soát, tổng hợp và báo cáo kịp thời toàn bộ vướng mắc, khó khăn trong giải ngân nguồn vốn MTQG. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình trả lời vướng mắc cho các địa phương.
“Chúng ta phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ban Dân tộc là đơn vị thường trực phải thường xuyên báo cáo lên lãnh đạo UBND để chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng tháo gỡ khó khăn”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
Đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân vốn 3 chương trình MTQG Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10/2023, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Đại biểu Quốc hội Đắk Nông Phạm Thị Kiều phát biểu: Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 Chương trình MTQG là phù hợp với thực tế và đã có những tác động rất lớn, tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tránh sự chồng chéo và tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện cho 3 chương trình. Vì mỗi Chương trình ban hành một cơ chế, quy định riêng sẽ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện; đồng thời tạo ra sự chồng chéo, dễ gây bất đồng tại các khu vực thụ hưởng, dẫn tới giảm hiệu quả quá trình tuyên truyền, vận động đóng góp của người dân để thực hiện các nội dung của từng chương trình. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Do đó, kính đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021- 2025 (kể cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đến hết giai đoạn năm 2025. Vì nếu không cho chuyển thì các dự án, nội dung đã lập để thực hiện thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 2022 không được kéo dài sang năm 2024 và đến hết giai đoạn thì lại phải điều chỉnh dự án, dẫn đến dự án thực hiện nửa chừng, không đồng bộ và không thể phát huy hiệu quả. Ngoài ra, cần ban hành quy định cho phép địa phương được chuyển từ nguồn vốn sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư, phân bổ theo các lĩnh vực chi (kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền...) theo nhu cầu sử dụng vốn. Bên cạnh đó, 3 Chương trình MTQG có nhiều nội dung trùng lắp với nhau (ví dụ đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế…) dẫn đến chồng chéo, không giải ngân được nguồn vốn, vì mỗi đối tượng chỉ được thụ hưởng ở một chương trình. Mặt khác, hiện nay cơ sở hạ tầng khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cần vốn đầu tư. Nếu không cho phép địa phương chuyển nguồn vốn sự nghiệp (nếu không sử dụng hết) sang vốn đầu tư thì sẽ không sử dụng hết vốn. Theo quy định hiện hành thì HĐND tỉnh phải ban hành một nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG. Nếu trong quá trình triển khai thực hiện, phải điều chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ dự toán thì phải điều chỉnh bằng nghị quyết nên phải chờ đến kỳ họp của HĐND tỉnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của chương trình. Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép các địa phương điều chỉnh các dự án, nội dung... Do đó, kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh điều chỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại cuộc họp gần nhất để đảm bảo tính kịp thời. |