Sau gần 20 năm tái lập, từ một thị trấn nhỏ, 4 huyện nghèo ở phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, bằng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Đắk Nông đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (giá so sánh 2010) ước đạt 7,73%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 21,2%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.635,39 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu ng­ười năm 2023 ước đạt 60,64 triệu đồng… Ðắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững vùng Tây Nguyên.

Gianghia1.png
Khi mới thành lập thị trấn Gia Nghĩa (của huyện Đắk Nông cũ) được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ. Đến ngày 1/1/2020, Gia Nghĩa được công nhận lên thành phố trực thuộc tỉnh và là một trong những thành phố trẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Quy mô và chất lượng nền kinh tế không ngừng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra, tăng cơ cấu lĩnh vực công nghiệp, giảm dần cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp. Ngành công nghiệp từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Riêng giai đoạn 2021 - 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 10%; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 10,13%.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, giữ được vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bước đầu đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Diện mạo và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống và thu nhập người dân từng bước được cải thiện. Năm 2023, GRDP bình quân đầu người ước đạt 60,47 triệu đồng; 39/60 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển. Cung cầu hàng hóa ổn định, mặt hàng phong phú, mạng lưới kinh doanh được mở rộng ở cả đô thị, nông thôn và vùng sâu vùng xa, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân. Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ nhựa hóa đường toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 70%. Hạ tầng lưới điện được đầu tư, cải tạo nâng cấp, mở rộng.

Hệ thống đô thị có bước phát triển làm thay đổi cảnh quan, nhận thức và nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị. Các huyện, thành phố đều có quy hoạch chung đô thị được duyệt, là cơ sở để quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, kêu gọi đầu tư xây dựng để phát triển đô thị và nông thôn. Đến nay, tỉnh có 9 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (TP. Gia Nghĩa); 3 đô thị loại IV (thị trấn Đắk Mil, thị trấn Kiến Đức và thị trấn Ea T'ling); 5 đô thị loại V (thị trấn Đắk Mâm, xã Nam Dong, thị trấn Đức An, trung tâm Quảng Khê, xã Đắk Búk So).

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, y tế, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%).

Ngoài ra, Đắk Nông là tỉnh 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và là tỉnh đầu tiên của vùng Tây Nguyên trình thẩm định Quy hoạch tỉnh; đứng thứ 38/63 tỉnh, thành về chỉ số PCI.

Xây con đường mơ ước để ai cũng được hưởng lợi

Nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đi được nửa chặng đường. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Ðắk Nông xác định ba trụ cột của nền kinh tế gồm: phát triển công nghiệp bô xít-alumin-nhôm, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững theo chuỗi giá trị; khai thác và phát triển tiềm năng du lịch.

Gianghia2.png
Hồ trung tâm- lá phổi xanh của thành phố trẻ

Trước đây, Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ. Đường không, đường sắt chưa được xây dựng. Còn đường sông khó khăn về địa hình, nên khai thác không đáng kể. 

Xác định đây là điểm nghẽn lớn, trì níu sự phát triển chung của tỉnh. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, bắt buộc phải đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại. 

Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nhấn mạnh tới việc ưu tiên phát triển các dự án kết nối hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, có tính kết nối, lan tỏa.

Trong đó, trọng tâm là kết nối với các khu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch trọng điểm của tỉnh. Tỉnh huy động tối đa nguồn lực, ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức PPP để kết nối hạ tầng giao thông. Nguồn ngân sách Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư vào các công trình giao thông thiết yếu, quan trọng…

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 270 km đường xã, thôn, buôn được đầu tư nâng cấp. Các tuyến tỉnh lộ được đầu tư khoảng 82 km, với quy mô 2 làn xe; Cả giai đoạn 2020 - 2025 sẽ nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường toàn tỉnh từ 65% lên 73%.

Gianghia3.png
Khí hậu quanh năm mát mẻ, bao quanh thành phố Gia Nghĩa còn hồ nước tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp và thơ mộng. 

Với quyết tâm cao, qua nửa nhiệm nhiệm kỳ, "bộ mặt" giao thông của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành khoảng 413 km đường bộ. Trong số này, có 183 km đường nâng cấp cải tạo. Có 44 km đường được xây dựng mới.

Đắk Nông đã nhựa hóa hơn 186 km, nâng tỷ lệ nhựa hóa toàn tỉnh từ 65% lên 69%. Dự kiến, đến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 70% các tuyến đường được nhựa hóa. Như vậy, nếu phấn đấu hết cả nhiệm kỳ, mục tiêu phát triển giao thông của tỉnh có khá năng vượt xa kế hoạch đề ra.

Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, hiện nay nhiều công trình, dự án hạ tầng thiết yếu đang được thúc đẩy, góp phần tạo nên điểm nhấn và mang lại sự phát triển mạnh mẽ hơn cho Đắk Nông trong tương lai, đặc biệt là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Đường cao tốc là con đường mơ ước, ai cũng được hưởng lợi. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà đây còn là con đường chiến lược, đường nghĩa tình, con đường đền ơn đáp nghĩa.

Khi có đường cao tốc đi qua chắc chắn kinh tế, thương mại, dịch vụ của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, rút ngắn hành trình vươn tới mục tiêu “tỉnh mạnh, dân giàu, xã hội nghĩa tình”.

Lâm Viên