Từ ngày 1 - 7/10, Đắk Nông sẽ triển khai tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề triển khai tuần lễ này, từ ngày 28/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Đắk Glong tổ chức lễ phát động trong toàn huyện và tỉnh.

Trong chương trình này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh sẽ thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, thay đổi hành vi của bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ để phát triển sức khỏe, dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ nhỏ...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tại huyện Cư Jút, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh tổ chức buổi nói chuyện với khoảng 50 người là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và phụ nữ có con nhỏ dưới 5 tuổi tại xã Cư Knia về khám thai, khám sức khỏe sinh sản, chăm sóc dinh dưỡng, tiêm vắc xin đầy đủ.

lay mau xet nghiem.png
Bác sĩ tư vấn và sàng lọc sức khỏe cho phụ nữ vùng dân tộc. Ảnh: P.V. 

Bác sĩ CKI Phạm Thị Thu Huyền - Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nuôi con nhỏ được các bác sĩ trò chuyện, phổ biến kiến thức về mang thai an toàn, trong thời kỳ mang thai chị em cần phải khám thai ít nhất 4 lần, tiêm phòng uốn ván đầy đủ, sinh con ở cơ sở y tế, trẻ sơ sinh cần tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngoài ra, vấn đề dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi cũng vô cùng quan trọng. Đây là giai đoạn vàng cho sự phát triển toàn diện của trẻ hướng tới nâng cao tầm vóc người dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Vì vậy, chị em được tư vấn về lựa chọn thực phẩm an toàn, thực phẩm đủ chất, đủ dinh dưỡng, cách chế biến thực phẩm cho trẻ nhỏ để hấp thu được tối đa dinh dưỡng.

Các bác sĩ cũng tư vấn về các biện pháp phòng tránh thai, phụ nữ được trang bị thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho mình và gia đình.

Tại các trạm y tế vùng khó khăn sẽ tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng tuần lễ Làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hằng ngày. 

Nhiều năm nay, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã không ngừng phát triển cả về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tại các trạm y tế xã, ngoài tổ chức các buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, đây cũng là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho người dân vùng dân tộc khó khăn. 

Đắk Nông đã thí điểm các trạm y tế ứng dụng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân.

Ngành Y tế Đắk Nông cơ bản đã đào tạo được đội ngũ nhân lực đủ để triển khai mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế. Theo đó, người dân được quản lý sức khỏe theo mô hình y học gia đình, mỗi người sẽ có một mã số y tế riêng để giúp theo dõi, thăm khám...

Tuần lễ Làm mẹ an toàn được diễn ra tại 51 tỉnh thành có đồng bào dân tộc, dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Vụ Sức khỏe, Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, tuần lễ có chủ đề "Làm mẹ an toàn -Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé". 

Mục tiêu chương trình là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng dân tộc, vùng khó khăn về sức khỏe của bà mẹ, trẻ em.

Chương trình được kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả tích cực vào công tác nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Khánh Chi