Gia đình anh Hồ Văn Hoài ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrong (Quảng Trị) thuộc diện hộ nghèo. Đời sống khó khăn, nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào mấy sào lúa rẫy. Công việc không ổn định, sức khoẻ hai vợ chồng lại yếu nên nhiều năm nay dù phải sống trong căn nhà sàn tạm bợ nhưng anh Hoài không thể xoay xở nguồn lực để sửa sang nhà cửa. Nỗi lo nhà đổ sập càng lớn hơn mỗi mùa mưa bão đến. 

Niềm vui đến với gia đình anh khi năm 2024, hộ nghèo này được xã Tà Rụt quan tâm đưa vào danh sách được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở. Được hỗ trợ kinh phí, vợ chồng anh động viên nhau tự bỏ công xây dựng để tiết kiệm chi phí khác. 

Đến nay căn nhà cấp 4 kiên cố đã hoàn thành. Tháng 10, được sống trong căn nhà mới, an toàn, khang trang, anh Hoài rất phấn khởi, xúc động. Niềm mơ ước đã thành hiện thực, anh Hoài chia sẻ từ nay sẽ tập trung nỗ lực để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành tốt hơn.

Đakrông là huyện miền núi biên giới, nằm phía Tây Nam Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên là 118.483 ha. Toàn huyện có 13 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn. Dân số có 46.886 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78,6%, với 2 dân tộc thiểu số chủ yếu là Bru - Vân Kiều và Pa Cô. Thu nhập bình quân đầu người tại huyện tăng lên đạt 32,8 triệu đồng vào cuối năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân trên 5,3%.

W-Bru Van  Kieu 10.jpg
Trẻ em dân tộc Bru - Vân Kiều được quan tâm, chăm lo giáo dục, dinh dưỡng, y tế...

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện là 38,04%; hộ cận nghèo 11,1%; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Dự kiến, hết năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều huyện ĐaKrông giảm 5,83% (tương đương 640 hộ nghèo, cận nghèo). Huyện Đakrông cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện dưới 29%.

Quan tâm đến chiều thiếu hụt nhà ở, huyện Đakrông (Quảng Trị) tích cực phối hợp, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Qua rà soát, trên toàn huyện Đakrong, tổng số hộ có nhu cầu thực hiện theo đề án đã được huyện phê duyệt là 1.595 hộ, trong đó 1.273 hộ xây mới và 322 hộ sửa chữa. 

Tại huyện Đakrông, các hộ gia đình có nhiều thành viên trong độ tuổi lao động, ngoài được hỗ trợ kinh phí, chủ yếu các gia đình tự thực hiện xây dựng nhà ở kết hợp huy động ngày công của người thân. Trong khi đó, với một số hộ neo đơn, huyện chủ trương khoán tổ đội thi công và bàn giao nhà sau khi hoàn thành.

Về chất lượng, nhà ở sau khi xây dựng đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Vật liệu chủ yếu gồm mái bằng tôn hoặc fibroximang, cột bằng bê tông cốt thép, sàn nhà bằng gỗ đối với nhà sàn và nền xi măng lát gạch đối với nhà trệt; tường bằng gỗ hoặc xây. Huyện yêu cầu các công trình đảm bảo diện tích nhà ở sử dụng tối thiểu 30m2; đối với hộ gia đình tự huy động lực lượng cũng như có thêm nguồn lực của gia đình diện tích nhà sau khi thực hiện đạt trên 50m2.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp tích cực, đến nay, toàn huyện có 1.021 hộ được xây mới nhà ở, đạt 80,02%; có 246 hộ đã được sửa chữa nhà ở, đạt 76,4% chương trình. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây nhà có thêm niềm tin, động lực để vươn lên thoát nghèo.

Theo Đề án 197 của tỉnh về huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2022-2026, huyện Đakrông có 684 hộ nghèo nằm trong danh sách, trong đó có gia đình anh Hoài trên đây. Theo Đề án 197, mỗi hộ gia đình khu vực miền núi, dân tộc thiểu số được hỗ trợ 70 triệu đồng (trong đó có 40 triệu đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững,...). Tổng nhu cầu cần hỗ trợ là hơn 20,5 tỷ đồng/684 hộ (tương đương 30 triệu đồng/hộ).

Đến nay, nguồn kinh phí huy động được (từ các nguồn của ngân sách tỉnh, quỹ Vì người nghèo tỉnh, huyện; các nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác...) đảm bảo xây dựng cho 484 hộ. Hiện còn 200 hộ nghèo, cận nghèo... có tên trong danh sách Đề án 197 đang được huy động nguồn lực (khoảng 6 tỷ đồng).

Cùng với chính sách xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nghèo, tín dụng ưu đãi, đã được huyện chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời và đúng theo quy định. Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.