Cùng sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT), các nguy cơ về lộ lọt mất an toàn thông tin (ATTT) ngày càng tăng, các hình thức tấn công trên mạng ngày càng đa dạng, tinh vi và nguy hiểm. Nhận thức vấn đề này, tỉnh Kiên Giang luôn xem việc đảm bảo ATTT là ưu tiên hàng đầu trong phát triển, ứng dụng CNTT và triển khai chính quyền điện tử.
Hiện 100% cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đều được trang bị hệ thống mạng nội bộ (LAN) và được kết nối mạng internet cáp quang băng rộng để gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số; cung cấp dịch vụ hành chính công tích hợp một cửa điện tử, sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh.
Bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng thông tin, triển khai các ứng dụng vào công tác quản lý, điều hành công việc trên môi trường mạng, tỉnh Kiên Giang chú trọng đầu tư đồng bộ về công nghệ, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm điều kiện vận hành các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Để bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh, ngành với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn, hiện đại.
Tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành thông tin tỉnh kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm theo dõi, giám sát và đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin trọng yếu của tỉnh trên mô hình 4 lớp theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ TT&TT.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Kiệm, nhờ triển khai song song công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn hoạt động chuyển đổi số, tăng cường hoạt động giám sát, cảnh báo sớm, chính xác nguy cơ gây mất an toàn thông tin, tăng cường khả năng hỗ trợ ứng cứu, tham gia hỗ trợ giải quyết sự cố, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố mất an toàn, an ninh mạng.
Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Quá trình theo dõi, giám sát công tác đảm bảo an toàn thông tin của trung tâm dữ liệu tỉnh, hàng năm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hơn 1.000 cuộc tấn công có chủ đích, mức độ nguy hiểm cao vào hệ thống, có 11.875.063 lượt rà quét, ngăn chặn các lượt tấn công vào hệ thống.
Trong đó có 5.021.446 lượt tấn công giả mạo, 27.564 lượt tấn công sử dụng mã độc; 6.826.053 lượt tấn công tổng hợp sử dụng kết hợp nhiều hình thức.
Tình hình an toàn, an ninh thông tin máy trạm đã phát hiện, ngăn chặn 17.850 máy tính kết nối ứng dụng phát hiện và phản ứng sự cố an toàn thông tin trên thiết bị đầu cuối (EDR); 16.660 máy vi tính kết nối ứng dụng phòng, chống mã độc (antivirus); 1.409 máy vi tính phát hiện có virus.
Việc triển khai Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành thông tin tỉnh mang đến nhiều lợi ích. Cụ thể, giúp người dân phản ánh các vấn đề bất cập của đô thị kịp thời thông qua ứng dụng trên thiết bị di động; chính quyền đô thị tiếp nhận, giải quyết bất cập nhanh, chính xác, hiệu quả; tập hợp, thống kê số liệu kinh tế - xã hội của tỉnh, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn dữ liệu được tích hợp, chia sẻ với các ngành tài chính, kế hoạch - đầu tư, thuế, hải quan, thống kê, hệ thống điều hành, giám sát, hoạt động 24/7 để chủ động phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin và chủ động phòng vệ, phản ứng trước các cuộc tấn công mạng.
Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định và tổ chức thực hiện quy định về bảo đảm an toàn, an ninh theo cấp độ.
Tỉnh Kiên Giang quan tâm nâng cao năng lực giám sát an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh; triển khai phương án nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức, sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an ninh mạng.
Đặc biệt trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin tới toàn thể người sử dụng internet; phổ biến hoạt động trang bị kỹ năng cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.
Để giảm thiểu các nguy cơ mất ATTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, ông Đặng Vũ Hùng - Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp: Nghiêm túc quán triệt, thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm ATTT; ban hành cơ chế, chính sách, tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho Đội ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; quan tâm đầu tư trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết cho Đội hoạt động.
Xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp đối với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp giữa Sở TT&TT và các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước, trên các hệ thống thông tin của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong trao đổi dữ liệu điện tử trên môi trường mạng.
Tiến hành hoạt động kiểm tra, rà soát, đánh giá và chủ động xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin trong các cơ quan Nhà nước.