Ngày 24/12, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhằm nắm bắt việc thực hiện chủ trương đảm bảo phát triển đồng đều, bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng muốn trao đổi một số quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục và lắng nghe nhu cầu của giáo dục địa phương.

Tiếp tục củng cố hệ thống dạy học trên nền tảng số
 

Trao đổi trong cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo. Ông Cường cho rằng, để tỉnh phát triển bền vững cần coi trọng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng và để có nguồn nhân lực chất lượng, cần coi trọng công tác giáo dục.

Để thúc đẩy giáo dục Bình Phước phát triển trong giai đoạn tới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Cường đề nghị Bộ GD-ĐT hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, bởi hiện nay Bình Phước đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ cao.

Tỉnh cũng mong muốn Bộ GD-ĐT hỗ trợ thực hiện xã hội hóa giáo dục; phát triển một số trường phổ thông tiêu chuẩn cao; triển khai khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương công tác phân luồng, hướng nghiệp, qua đó, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã quan tâm, quyết tâm phát triển giáo dục hướng tới phát triển bền vững. Sự quan tâm, quyết tâm này được thể hiện qua một số hoạt động cụ thể như: triển khai sớm mô hình trường học thông minh; phát triển các trường dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; tham gia tích cực Đề án Ngoại ngữ quốc gia.

Bên cạnh những việc đã làm được, theo Bộ trưởng, tỉnh Bình Phước còn nhiều việc cần tập trung triển khai thời gian tới. Trong đó, trước mắt năm 2022, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Bộ trưởng Sơn cho rằng, tỉnh Bình Phước cũng cần tiếp tục củng cố hệ thống dạy học trên nền tảng số. Bởi theo ông Sơn, đây không phải hoạt động chỉ ứng phó với dịch mà còn là giải pháp lâu dài nên cần tập trung thực hiện có chiều sâu theo xu hướng chuyển đổi số và phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 và những năm tới.

Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học tới, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Bình Phước cần chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Tiếp tục củng cố hệ thống dạy học trên nền tảng số
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao tặng học bổng và thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho một số học sinh và trường học của tỉnh Bình Phước.

Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy học, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh có thể huy động nguồn lực từ nhiều phía gồm ngân sách của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia,…

Theo Bộ trưởng Sơn, Bình Phước hiện là một trong những địa phương có chỉ số kiên số hóa trường học thấp, vì vậy, trong Nghị quyết của tỉnh, cần đưa ra chỉ tiêu cho chỉ số này để tập trung triển khai thực hiện, từ đó nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trường học.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ chú ý đến nội dung kiên cố hóa trường học, đặc biệt là trường học cho đồng bào dân tộc.

Để giải bài toán thừa thiếu giáo viên, bên cạnh chỉ tiêu cho phép, Bộ trưởng gợi mở địa phương triển khai đa dạng các giải pháp, trong đó có thể tính đến giải pháp xã hội hóa đối với các môn như ngoại ngữ, tin học, thông qua việc ký hợp đồng với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong thiết kế bài giảng e-learning, mô hình dạy học trực tuyến,…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý với tỉnh Bình Phước về nhiệm vụ với giáo dục dân tộc gồm: đầu tư phát triển các trường nội trú, bán trú; tăng cường dạy tiếng Việt, xóa mù chữ, tái mù, dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông…

Riêng về nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương, Bộ trưởng Sơn ủng hộ, ưu tiên phát triển các trường đại học, các phân hiệu đại học theo lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật tại Bình Phước.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo cơ chế, tạo điều kiện phát triển các đại học và phân hiệu của các đại học, tỉnh đồng thời cần có chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, việc lập các trường nghề với chất lượng tốt cũng sẽ là giải pháp quan trọng và phù hợp giải quyết vấn đề nhân lực lao động của tỉnh thời gian tới.

Thu Huyền