Người dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang (tỉnh TT-Huế) đang rất bức xúc khi phát hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình bị tẩy sửa sau khi cho chính quyền “mượn”. Nhiều trường hợp đất dân có diện tích hàng trăm m2, bị sửa còn lại vài ba chục m2, có trường hợp chỉ còn… 8m2.
Ảnh minh họa. |
Sự việc chỉ được phát hiện sau khi người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển.
Cơn bão lịch sử số 8 năm 1985 làm hàng trăm người chết tại miền Trung. Cùng với nhiều người dân vạn chài khác ở xã biển Phú Diên, hộ ông Trần Tư (vạn đò Thanh Mỹ) được Nhà nước đưa lên bờ, cấp hơn 100m2 đất tái định cư. Năm 1994, lô đất của hộ ông Tư được huyện Phú Vang cấp sổ đỏ. Năm sau, giấy tờ đất hợp pháp này được xã hỏi “mượn” để chỉnh sửa, rồi giao lại cho dân. Tương tự, hàng chục sổ đỏ khác của dân Thanh Mỹ cũng bị mượn lại để chỉnh lý thủ công số liệu bên trong. Sau khi nhận lại sổ đỏ, dân Thanh Mỹ cất kỹ vào ngăn tủ hàng chục năm trời mà không mảy may nội dung bên trong đã bị tẩy sửa, làm “rơi rụng” nhiều diện tích đất ở.
Hơn 100m2, bị tẩy sửa còn… 8m2
Gần đây, do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, dân Phú Diên gặp khó khăn trong hoạt động đánh bắt, nên chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Nhiều nhà mang sổ đỏ làm thủ tục thế chấp ngân hàng để vay vốn thì tá hỏa phát hiện giấy tờ đất từng bị sửa chữa. Ngân hàng từ chối cho vay vì sổ đỏ đã bị vô hiệu, không có giá trị giao dịch. Tương tự, các giao dịch khác về cầm cố để sửa chữa nhà cửa trước mùa bão, hay chuyển nhượng, chia thừa kế nhà đất trên loại sổ đỏ bị tẩy xóa, sửa chữa này đều không thực hiện được.
Qua tìm hiểu của phóng viên, số diện tích đất ở ghi trong sổ đỏ của dân Phú Diên sau khi bị sửa chữa, tẩy xóa vào năm 1995 đã bị hao hụt rất lớn. Cụ thể, trường hợp giấy đỏ của ông Hồ Y có diện tích gần 150m2, bị tẩy xóa điều chỉnh chỉ còn… 30m2; bà Đỗ Thị Dư được cấp hơn 100m2 đất ở, sổ đỏ chỉnh sửa cũng chỉ còn 30m2. Đặc biệt là trường hợp đất ở của ông Trần Tư, diện tích hơn 100m2 bị tẩy sửa còn lại có… 8m2. “Với sổ đỏ bị tẩy xóa, diện tích bên trong giảm chỉ còn 8m2 như vậy, gia đình tôi không thể dùng nó để giao dịch vay vốn ngân hàng. Mang đi cầm cố “vay nóng” ở người quen cũng chẳng ai chấp nhận”, ông Trần Tư bức xúc.
Là chuyện của “hồi đó”
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Vang, cho biết: Việc tẩy xóa, sửa chữa rồi đóng dấu chứng thực vào vị trí chỉnh lý trong sổ đỏ của dân Phú Diên hơn 20 năm trước là do Phòng Nông nghiệp huyện hồi đó thực hiện. “Lúc đó chưa có phòng TN&MT, bộ phận quản lý đất đai thuộc Phòng Nông nghiệp huyện. Theo quy định hiện hành, việc chỉnh sửa như vậy là vô hiệu giấy tờ nhà đất của dân. Nhưng thời điểm đó, do không có hướng dẫn nào khác, nên việc chỉnh sửa thực hiện theo cách như vậy. Với những sổ đỏ như thế này, nếu đem ra giao dịch thời điểm hiện nay là rất khó khăn”, ông Chính lưu ý.
Cũng theo ông Chính, từ phản ánh của dân Phú Diên, mới đây, cơ quan chức năng kiểm tra, bước đầu phát hiện có 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thôn Thanh Mỹ bị chỉnh sửa, tẩy xóa nội dung bên trong. “Việc chỉnh sửa đã lâu, nên chưa xác định được lý do. Tuy nhiên, có thể do đất ở bị vướng quy hoạch giao thông, lộ giới đường bộ, buộc phải điều chỉnh, nên mới xảy ra tình trạng như vậy”, ông Chính giải thích. Vị này còn cho biết, sắp tới cơ quan quản lý đất đai trên địa bàn sẽ về đo đạc lại diện tích thực tế từng thửa đất, yêu cầu dân kê khai bổ sung, kết hợp hủy bỏ số liệu đã bị tẩy sửa, để làm cơ sở cấp đổi lại giấy tờ đất hợp pháp và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho dân.
Ông Lê Đình Đắc, một người dân, cho biết, khi dân mang sổ đỏ đi làm thủ tục vay tiền và bị từ chối, ngân hàng hướng dẫn về ủy ban xã để hỏi thủ tục cấp đổi lại giấy tờ nhà đất hợp lệ. Tuy nhiên, phía xã lại “đùn” lên cho huyện, vì cho rằng cán bộ xã giai đoạn hơn 20 năm trước nay đã nghỉ hưu hết, không còn ai chịu trách nhiệm xử lý.
Theo Báo Tiền Phong