- Tích góp cả đời được ít tiền để an dưỡng lúc về già nhưng khi thấy cảnh người dân khó khăn qua lại cầu tre cũ nát, người cựu binh ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã vay thêm tiền để xây cây cầu vững chắc giúp dân đi lại an toàn.
Người có việc làm "không giống ai" ấy là ông là Bùi Xuân Đại, 67 tuổi, một cựu chiến binh ở thôn Lai Đồng, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Đau đáu tìm cách xây cầu
Lai Đồng là một thôn nghèo của xã Đức Đồng, các gia đình nép mình vào những sườn đồi, xung quanh được bao bọc bởi một con suối chảy ra sông Ngàn Sâu. Từ bao đời nay, người dân đi làm đồng, học sinh đi học đều phải qua một chiếc cầu tre tạm bắc qua con suối này.
Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại (bìa trái) trên cây "cầu ông Đại" |
Bình thường, con suối chảy hiền hòa nhưng đến mùa mưa nước lũ đổ về cuốn trôi đi nhà cửa, trâu bò, vật nuôi. Những chiếc cầu tạm bắc qua suối cũng bị trôi theo dòng nước lũ. Mùa thu hoạch, người dân phải dùng xe bò kéo nông sản xuống mép suối, phải qua nhiều lần di chuyển mới đưa được về nhà. Nhiều hôm gặp mưa, nước lớn, người dân phải bỏ ngô sắn lại để về nhà. Họ cũng đã quá quen với cảnh té ngã hay bị nước cuốn.
Chứng kiến cảnh người dân trong xóm khốn khổ đi lại, người cựu chiến binh Bùi Xuân Đại luôn đau đáu tìm cách xây một cây cầu vững chãi nối hai bờ con suối dữ.
Nhiều đêm suy nghĩ, vào năm 2013, ông quyết định mà khi mới nghe, nhiều người nghĩ ông "không bình thường" là bỏ ra 300 triệu xây cầu cho dân đi.
Vợ ông - bà Phạm Thị Lan cũng giật mình khi nghe ý định của chồng. Mới đầu, bà nghĩ, đó chỉ là câu nói vui của ông Đại. Nhưng khi biết ông làm thật, mọi người khuyên ông nên nghĩ lại.
Vay tiền ngân hàng làm cầu cho dân đi
"Ngày ấy, vợ con tôi phản đối gay gắt lắm. Bởi kinh tế gia đình còn khó khăn, căn nhà đang ở đã xuống cấp nhưng chưa được tu sửa. Trong khi tiền lương hưu, phụ cấp hàng tháng cũng chỉ đủ cho hai vợ chồng trang trải sinh hoạt hàng ngày", ông Đại tâm sự.
Ngày ngày, ông phân tích với bà Lan những lợi ích thiết thực từ chuyện cây cầu mang lại cho gia đình và xã hội, cái được cho người dân vùng quê nghèo.
"Mưa dầm thấm lâu", cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho ông Đại làm việc của "xã hội".
Kể từ khi có cầu "ông Đại" giúp cho việc đi lại, sản xuất của người dân thôn Lai Đồng dễ dàng hơn. |
Thông báo lên chính quyền và được đồng ý, ông Đại đã rút hơn 100 triệu đồng tiền tích cóp nhiều năm. Con cái cũng hỗ trợ ông một ít tiền, số còn lại vợ chồng ông vay mượn thêm người thân, ngân hàng.
Đầu năm 2013, rất đông bà con nhân dân, chính quyền xã Đức Đồng đã tới tham gia khởi công xây dựng cầu. Người góp bó chè, người cắt góp ngày công cùng tham gia đẩy hồ, chuyển cát.
Ít tháng sau, cây cầu dài 10m, rộng 3,5m với mức đầu tư 300 triệu đã được hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của vợ chồng ông Đại và người dân xóm Lai Đồng.
Để ghi nhớ việc làm đầy ý nghĩa của người cựu binh già, mọi người đã gọi cây cầu mới là "cầu ông Đại".
Chị Đinh Thị Nhung (người dân thôn Lai Đồng) vui mừng kể, khi cầu được xây xong, mọi sinh hoạt trong xóm thuận lợi hơn. Học sinh không bị chậm học, việc sản xuất không bị ngưng trệ khi mùa lũ về.
Thời gian gần đây, ông Bùi Xuân Đại lại tiếp tục góp cả chục triệu đồng để làm 100m đường bê tông, nối tới cây cầu "ông Đại" để người dân dễ dàng qua lại.
Chủ tịch UBND xã Đức Đồng - Thái Văn Tình cho hay, ông Đại đã đóng góp rất nhiều cho thôn xóm. Địa phương luôn ghi nhận công sức mà ông Đại đã bỏ ra. Ông xứng đáng là tấm gương cho lớp trẻ noi theo.
Được biết, thời gian gần đây, bệnh gan của ông Đại diễn biến xấu đi, ông thường xuyên phải tới bệnh viện điều trị. Khi hay tin, nhiều người đã đến nhà động viên, chia sẻ với người cựu chiến binh già Bùi Xuân Đại.
Văn Đức