Mới đây, Nghị quyết HĐQT Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) đồng ý thông qua về việc vay 4 thành viên HĐQT để trả nợ trái phiếu đã phát hành năm 2020, với tổng số tiền 92 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên cho vay 35,62 tỷ đồng, Uỷ viên HĐQT kiêm Phó giám đốc Nguyễn Văn Thuỷ cho vay 35 tỷ đồng, Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Lê Xuân Tân cho vay 11,4 tỷ đồng và Uỷ viên HĐQT Nguyễn Xuân Đôn cho vay 10 tỷ đồng.
TNH lý giải, sở dĩ có việc các lãnh đạo cùng "mở két" cho vay là do hồ sơ phát hành cổ phiếu theo phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (tại tờ trình của HĐQT công ty ngày 18/5 đã được thông qua tại ĐHĐCĐ), nhưng đến nay vẫn chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt, trong khi 1/9 là ngày đáo hạn trái phiếu đã phát hành năm 2022.
Do đó, công ty cần huy động nguồn vốn hợp pháp khác để trả nợ cho các trái chủ khi đến hạn.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toản năm 2020, 2021, tổng nguồn vốn cả hai năm của TNH trên 1.100 tỷ đồng, nợ phải trả trên 500 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm 80%.
Xét báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của TNH, con số tương ứng này tuy giảm nhưng tỷ lệ vốn đi vay giảm không nhiều so với các năm trước. Trong khi, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt trên 200 tỷ đồng; sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt trên 54 tỷ đồng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.
Với kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cho thấy, khoản nở của TNH đang gấp 2,5 lần doanh thu, lợi nhuận sau thuế không tương xứng với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng. Vì thế, TNH không đủ nguồn tài chính để đáo hạn lô trái phiếu năm 2020.
Ngoài ra, đáng chú ý, TNH đang có kế hoạch phát hành 25,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) để nâng vốn điều lệ lên 907 tỷ đồng. Số vốn dự kiến được 518 tỷ đồng. Trong đó, 342 tỷ đồng sẽ được TNH thực hiện Dự án Bệnh viện TNH Việt Yên với hơn 300 giường bệnh tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Số còn lại TNH dự kiến sẽ bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và trả nợ gốc trái phiếu đến hạn là 176 tỷ đồng.
Con số 92 tỷ đồng TNH vay 4 lãnh thành viên trong doanh nghiệp cũng chỉ góp một phần vốn trong kế hoạch của công ty. Do đó, TNH đang nôn nóng chờ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt kế hoạch nâng vốn điều lệ.
Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) không có nhiều chuyển biến tích cực, số nợ hàng nghìn tỷ treo lơ lửng khiến cho QCG nhiều lần phải đi vay, trong đó có hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng đến từ nhân các lãnh đạo.
Nhờ vậy, kết thúc quý II/2021, tổng tài sản của QCG đạt hơn 10.600 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng so với 6 tháng trước đó, chủ yếu do giảm giá trị hàng tồn kho. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 6.400 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ chỉ chiếm hơn 500 tỷ đồng nhưng công ty đang mượn tiền các bên liên quan tổng cộng hơn 1.200 tỷ, gồm cả những cá nhân.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan là cá nhân đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn nhiều tiền nhất với 97 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty của mẹ mượn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cùng con gái Lại Thị Hoàng Yến cũng cho Quốc Cường Gia Lai mượn tổng cộng 120 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 ghi nhận một số doanh nghiệp gặp khó về vốn nhưng được lãnh đạo cho vay hàng trăm tỷ đồng để vượt qua khó khăn.
Trong báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2013 của Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) ghi nhận khoản nợ 100 tỷ đồng với lãnh đạo và người thân của các cá nhân này. Công ty cổ phần Ninh Vân Bay (Mã: NVT) tại ngày 30/6/2013 cũng có khoản vay ngắn hạn gần 65 tỷ đồng từ ông Lê Xuân Hải - Chủ tịch HĐQT và các cá nhân liên quan.
Dòng tiền thận trọng
Theo CTCK Rồng Việt, thị trường tiếp tục thử thách vượt qua Gap giảm ngày 29/08 nhưng chưa thành và diễn biến vẫn ẩn chứa sự thận trọng trong đó. Thể hiện qua nến Shooting Star với thanh khoản thấp tại vùng cản của VN-Index.
Nhìn chung dòng tiền vẫn đang thận trọng trước áp lực của vùng cản. Dự kiến, thị trường sẽ tiếp tục giằng co và kiểm tra cung cầu trong phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khả năng suy yếu của thị trường trước vùng cản 1.280-1.300 điểm của VN-Index.
Do vậy, Rồng Việt khuyến cáo nhà đầu tư tạm thời vẫn nên cẩn trọng và hạn chế mua đuổi. Đồng thời nên cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro, do áp lực từ vùng cản đối với thị trường vẫn đang hiện hữu...
CTCK SSI cho hay, trong các phiên tới, nếu VN-Index chinh phục trở lại vùng cản 1.285 điểm, nhiều khả năng chỉ số sẽ mở rộng đà hồi phục lên ngưỡng 1.300-1.310 điểm. Tuy nhiên nếu tiếp tục lùi lại từ vùng cản này, chỉ số có thể sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ 1.250-1.220 điểm.