Dưới đây là 5 trong số nhiều cửa hàng sửa xe máy bị cư dân mạng "tố" là có hành vi "móc túi" khách hàng.
Chọn cửa hàng nào khi sửa xe và bảo dưỡng là một trong những vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Các cửa hàng sửa xe máy hiện mọc lên như nấm tại Hà Nội nhưng không phải chỗ nào cũng uy tín. Thậm chí, có không ít cửa hàng xe máy giở trò lừa đảo để móc tiền của khách hàng.
Nếu tham gia các diễn đàn, bạn sẽ bắt gặp không ít những câu chuyện liên quan đến hành vi lừa đảo của nhiều cửa hàng xe máy tại Hà Nội. Sau đây là một số cửa hàng sửa xe máy “lừa đảo” tại Hà Nội mà cộng đồng cư dân mạng truyền tai nhau trong thời gian qua.
1. Cửa hàng sửa xe máy số 205 Khuất Duy Tiến
Hồi tháng 5/2014, trên Facebook đã xuất hiện đoạn chia sẻ của một cư dân mạng về cửa hàng sửa xe máy số 205 Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Theo đó, một nam thanh niên khẳng định “vừa dính một phốt phá xe của cửa hàng sửa xe số 205, Khuất Duy Tiến, bên trái trường Trung cấp Cảnh Sát”. Nam thanh niên cho biết, ban đầu, xe chỉ bị thủng săm do dính đinh nên phải đưa vào cửa hàng sửa xe máy số 205 Khuất Duy Tiến.
Đoạn chia sẻ của một nam thanh niên về cửa hàng sửa xe 205 Khuất Duy Tiến. |
Ban đầu, thợ tại cửa hàng đề nghị thay săm mới cho xe với giá 90.000 Đồng. Tiếp đó, nhân viên cửa hàng chỉ thêm vết rách lốp rất to và đề nghị thay lốp. Nam thanh niên này đồng ý thay lốp sau với giá 420.000 Đồng. Thay xong săm và lốp, chiếc xe máy của nam thanh niên lại không nổ máy được. Lúc này, nhân viên cửa hàng kiểm tra và khẳng định “chết IC”. Chi phí thay IC cho chiếc xe máy là 620.000 Đồng. Tổng cộng, nam thanh niên đã phải trả số tiền 1,13 triệu Đồng cho việc sửa xe.
Theo nam thanh niên, thủ đoạn của nhân viên cửa hàng sửa xe là “tháo bugi, sau đó dùng cực dương và âm chích chết IC của mình rồi lấy 1 con IC khác ra thử”. Khi thắc mắc là xe trước đó nổ máy bình thường, nam thanh niên nhận được câu trả lời: “IC chết thất thường lắm em ơi”.
Biết là bị “móc túi” nên nam thanh niên đã chia sẻ câu chuyện này lên Facebook để cảnh báo mọi người về cửa hàng sửa xe số 205 Khuất Duy Tiến. Qua tìm hiểu, hóa ra đây không phải là lần đầu tiên cửa hàng sửa xe 205 Khuất Duy Tiến bị cư dân mạng phản ánh là lừa đảo khách hàng. Trước đó, đã từng có nhiều cư dân mạng khác phản ánh bị cửa hàng sửa xe số 205 Khuất Duy Tiến “chém đẹp” với thủ đoạn tương tự.
Những phản ánh của các cư dân mạng khác về cửa hàng số 205 Khuất Duy Tiến. |
2. Cửa hàng sửa xe số 12 Lê Văn Hưu
Vào tháng 7/2014, trên một diễn đàn nổi tiếng dành cho các chị em phụ nữ đã xuất hiện một đoạn cảnh báo về cửa hàng sửa xe số 12 Lê Văn Hưu, Hà Nội. Theo đó, thành viên có tên hlthuy99 thấy xe bị xịt lốp nên đã mang vào cửa hàng sửa xe số 12 Lê Văn Hưu.Tại đây, thợ sửa xe sau khi kiểm tra đã báo với chị hlthuy99 là xe ngoài rách săm vì lốp non còn bị gãy chân van. Chị hlthuy99 đã đồng ý thay săm mới.
|
Phản ánh của chị hlthuy99 về cửa hàng sửa xe ố 12 Lê Văn Hưu. |
Tuy nhiên, thợ tại cửa hàng sửa xe số 12 Lê Văn Hưu lại tháo hết cả lốp và má phanh sau ra rồi khẳng định chỗ này hỏng, chỗ kia rách. Cuối cùng, thợ sửa tư vấn chị hlthuy99 nên thay hết những chỗ hỏng đi để đảm bảo an toàn.
Không đồng ý, chị hlthuy99 đã khẳng định chỉ thay săm thôi và đề nghị thợ sửa xe lắp lại y nguyên như ban đầu. Chiều cùng ngày hôm đó, chị hlthuy99 đã đưa xe ra cửa hàng quen để kiểm tra lại và phát hiện thợ sửa xe tại cửa hàng 12 Lê Văn Hưu đã “giở trò” cạy bung má phanh sau cũng như bẻ nan hoa khi lắp lại.
Chia sẻ với chị hlthuy99, một cư dân mạng cho biết: “12 Lê Văn Hưu chuyên ăn IC và cục sạc”. Có vẻ như chị hlthuy99 không phải là “nạn nhân” duy nhất của cửa hàng sửa xe máy này.
Một cư dân mạng khác "tố" cửa hàng sửa xe số 12 Lê Văn Hưu. |
3. Cửa hàng sửa xe số 101 Đê La Thành
Đây là một trong những cửa hàng sửa xe máy “tai tiếng” nhất tại Hà Nội. Trong đó, được chia sẻ nhiều nhất là câu chuyện của người chồng trên một diễn đàn. Theo chia sẻ, xe máy của một phụ nữ bất ngờ “chết máy” và được đưa vào cửa hàng sửa xe số 101 Đê La Thành. Tại đây, chủ cửa hàng đã khẳng định dây xăng của xe bị thủng, chảy xăng và phải thay dây mới với giá 1,2 triệu đồng. Thấy đắt, người phụ nữ không đồng ý thay và đề nghị chủ cửa hàng lắp lại nhưng bị từ chối với lý do đã tháo ra thì không lắp lại được. Nếu tính cả tiền công thì người phụ nữ phải trả số tiền lên đến 1,5 triệu Đồng. Vì không mang đủ tiền nên người phụ nữ đã đặt lại chứng minh thư và bằng lái xe.
Đoạn chia sẻ về cửa hàng sửa xe số 101 Đê La Thành. |
Khi biết chuyện, chồng của người phụ nữ này đã gọi điện cho cửa hàng quen và được báo giá dây xăng chỉ khoảng 360.000 – 400.000 Đồng. Người chồng đã đến cửa hàng số 101 Đê La Thành để yêu cầu tính lại giá và trả lại giấy tờ. Tuy nhiên, chủ cửa hàng không đồng ý trả lại tiền vì đã lắp rồi và còn định giở trò côn đồ để đe dọa người chồng. Sau một hồi cãi vã, thấy người chồng có vẻ cứng rắn, chủ cửa hàng đồng ý giảm xuống còn 800.000 Đồng.
Một "nạn nhân" khác của cửa hàng này. |
Khi tìm hiểu trên mạng, người chồng này phát hiện vợ mình không phải là “nạn nhân” duy nhất của cửa hàng 101 Đê La Thành. Cũng có một người phụ nữ khác bị thợ tại cửa hàng này “giở trò” khi vào bơm xe. Theo người phụ nữ này, thợ tại cửa hàng 101 Đê La Thành đã giật dây nối bugi của xe khiến xe không thể nổ máy.
4. Cửa hàng sửa xe Việt Nhật số 180 Xã Đàn
Đây cũng là một cửa hàng bị nhiều cư dân mạng “tố”. Một cư dân mạng có tên N.N.H. cho biết: “Ôi, Việt Nhật là cái ổ phốt rồi các cụ ạ. Sửa xe thì toàn thấy mang xe khách lượn chán chê xong về phán hỏng này nọ”.
Một cư dân mạng phản ánh về cửa hàng sửa xe Việt Nhật số 180 Xã Đàn. |
Một cư dân mạng khác có tên N.P.T. cũng phản ánh thay 2 lốp ở cửa hàng Việt Nhật số 180 Xã Đàn xong thì thấy đầu xe bị nghiêng 1 bên, cổ xe cứng không đi được. Khi thắc mắc với chủ cửa hàng thì nhận được câu trả lời: “Em thay lốp liên quan gì đến cổ xe, kệ”. Bơm lốp không săm thì ẩu, sáng hôm sau hết hơi. Thay má phanh trước rồi mà bóp không “ăn”, mang ra cửa hàng thì thợ khẳng định lỗi tại đĩa phanh. Sau 2 tháng thì phanh trước trên xe anh N.P.T. gần như không có tác dụng.
Hàng loạt cư dân mạng phàn nàn về cửa hàng sửa xe Việt Nhật số 180 Xã Đàn. |
Người ta thường nói, làm ăn phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Tuy nhiên, với những cửa hàng sửa xe máy kể trên, chữ tín dường như không quan trọng bằng cái lợi trước mắt. Những cửa hàng này có thể tồn tại vì nhiều người không biết vẫn mang xe vào sửa. Thế nhưng, nếu cửa hàng tiếp tục giữ tình trạng sửa xe như “lừa đảo” thì chắc chắn khách hàng sẽ “một đi không trở lại”.
(Theo Autopro)