- Thảo luận tại hội trường sáng nay, nhiều ĐBQH đề nghị làm rõ trách nhiệm sai phạm của cán bộ quản lý đất đai, nhất là trước thực trạng rất nhiều đại gia giàu lên từ đất và khiếu nại, tố cáo vẫn ngày càng "nóng".

Đoàn giám sát của Thường vụ QH vừa qua đã tổ chức nhiều đoàn giám sát làm việc với các bộ ngành, địa phương về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo với các quyết định hành chính về đất đai.

Kết quả giám sát được báo cáo trước QH sáng nay, trong phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

'Một bộ phận' nhỏ hay không nhỏ?

Để xảy ra tình trạng khiếu kiện gia tăng, theo đoàn giám sát, có một phần do sự thiếu trách nhiệm, không công tâm, khách quan của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu trong quá trình thực thi công vụ. Đó là tình trạng cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở sa sút phẩm chất đạo đức, tiêu cực, gian lận trong lập phương án bồi thường về đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chia chác đất đai, bao che cán bộ sai phạm.

Phát biểu sau đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Phú Yên Nguyễn Thái Học đề nghị phải nói rõ những cán bộ vi phạm, trục lợi là ai, ở đâu, thay vì cứ nói chung chung "một bộ phận". Theo ông Học, trong bất cứ báo cáo nào, hễ cứ nói đến hạn chế, yếu kém là xuất hiện cụm từ "một bộ phận cán bộ sa sút" trong khi dân muốn biết đích danh.

ĐB Nguyễn Thái Học: Phải làm rõ bộ phận đó nhỏ hay không nhỏ...

"Phải làm rõ là bộ phận đó nhỏ hay không nhỏ. Chỉ diễn ra dưới cơ sở hay ở nhiều cấp nhiều ngành?", ông Học đề xuất. Cơ quan chức năng cũng thông tin rằng đã kiến nghị xử lý nhiều cán bộ làm sai, song lại không nêu rõ bao nhiêu trong số đó đã bị xử lý và việc xử lý đã thực sự nghiêm minh hay chưa.

Theo ông Học, ngoài sự thiếu sót trong chính sách pháp luật, thì hành xử của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai chính là nguyên nhân gia tăng khiếu kiện, và đoàn giám sát của QH cần chỉ rõ các sai sót này.

Riêng về  việc tiếp nhận xử lý đơn thư, báo cáo nói trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều nơi chưa làm tốt việc tiếp dân, còn tình trạng chỉ làm qua loa không hết trách nhiệm.

Đây là một nhận định cần được phân tích rõ, bởi theo ông Học, cán bộ là công bộc của dân, nhưng không làm tròn trách nhiệm. Ông Học đề xuất Chính phủ cần ban hành quy định lãnh đạo các nơi tăng cường đối thoại tiếp xúc với dân, ngoài tiếp định kỳ cần tăng thêm đối thoại trong những vụ việc, ở những tụ điểm nóng. Ông dẫn câu chuyện một người dân TP.HCM sau buổi đối thoại với Bí thư Thành ủy đã rút đơn khiếu nại và hài lòng bởi "chỉ mất 20 phút để giải quyết cho 20 năm đi khiếu kiện".

Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 2 Ngô Văn Hùng chỉ ra thực trạng, cán bộ nhiều nơi đùn đẩy, né tránh giải quyết đơn thư của dân. Cấp dưới thì đẩy lên trên, trên lại đùn xuống dưới. Và thực tế là đang có nhiều đại gia giàu lên từ đất.

ĐB Ngô Văn Hùng: Nhiều đại gia giàu lên từ đất

Nhiều ĐBQH cũng chỉ ra tình trạng "vô cảm" của cán bộ, làm ngơ với quyền và lợi ích của dân. Nói như Phó đoàn ĐQBH Vĩnh Phúc Hồ Thị Thủy, sự vô cảm với bức xúc của dân đã khiến cho các vụ việc ngày càng kéo dài. Ngoài ra, còn có tình trạng "cố tình bao che cho sai phạm vì lợi ích nhóm, lợi ích dòng họ, lợi ích cá nhân".

Thực trạng trên khiến dân đang ngày càng mất niềm tin "dân mất niềm tin là mất tất cả", ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) lo lắng.

Xử nghiêm cán bộ trục lợi

Trong báo cáo đọc trước QH, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, có tới 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai. Tính chất, quy mô phức tạp ngày càng tăng, khiếu kiện phức tạp và kéo dài đang diễn ra ngày càng nhiều. Đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với các quyết định của chính quyền. Số lượng khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng.



Nguyên nhân được cho là do hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên cả nước đã triển khai nhiều dự án lớn, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp và quá trình đô thị hóa, mở rộng, chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, chỉnh trang phát triển đô thị… liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư đã làm phát sinh những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp.

Nhiều kẽ hở pháp luật được chỉ ra, như chính sách đền bù, quyết định giao, cho thuê đất chưa minh bạch, thiếu dân chủ, giá đất đền bù chưa hợp lý. Theo đoàn giám sát,  khung giá đất ở tối đa tại đô thị hiện còn thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Giá đất do UBND tỉnh quy định mới chỉ bằng khoảng từ 40% đến 70% giá đất chuyển nhượng trên thực tế.

Đoàn giám sát đã kiến nghị ba nhóm giải pháp, mà trọng tâm là sửa luật Đất đai. Các ĐBQH bổ sung thêm giải pháp xử lý nghiêm những cán bộ tham nhũng trục lợi từ đất.

Phiên thảo luận tiếp diễn vào chiều nay.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng