XEM VIDEO: 

Ngày 30/11, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình về sạt lở bờ sông Krông Nô (thuộc khu vực huyện Lắk), đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ dân và nguyên nhân gây sạt lở...

Theo ông Văn, mới đây rất nhiều hộ dân ở xã Ea R'bin và Nam Ka (huyện Lắk) viết đơn phản ánh về việc thủy điện xả lũ gây sạt lở, nhiều diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi nhưng chưa thực hiện việc đền bù.

Qua ghi nhận thực tế, ông Văn đã chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương rà soát những diện tích đất, hoa màu bị thiệt hại của người dân để có phương án tiếp theo.

W-z4923163777544-25086a3275bbea46eeb7f670d4865605.jpg
Ông Nguyễn Thiên Văn (đội mũ cối, thứ hai từ bên trái qua) chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng rà soát xác định nguyên nhân thiệt hại để lên phương án bồi thường cho nhân dân.

Nói về nguyên nhân sạt lở, ông Văn cho rằng, việc sạt lở bước đầu được nhận định là do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan mang lại, trong đó có việc hoạt động của các thủy điện, khai thác cát, mưa lũ thất thường và nền địa chất bờ sông yếu...

W-hauon-m1-1-1.jpg
Tình hình sạt lở trên sông Krông Ana đoạn qua huyện Lắk ngày càng nghiêm trọng.

Truớc đó, hàng chục hộ dân ở 2 xã Nam Ka và Ea R'bin (huyện Lắk) gửi đơn lên chính quyền địa phương phản ánh về tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở sông Krông Nô khiến đất, ruộng, rẫy cà phê, hoa màu dọc bờ sông bị cuốn theo dòng nước.

Cụ thể, có hàng trăm mét bờ sông Krông Nô bị đổ sập, khoét sâu vào khu vực đất sản xuất khiến các hộ dân canh tác bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề.

Hầu hết người dân đều cho rằng, việc sạt lở bờ sông Krông Nô là do hoạt động xả lũ của thủy điện chứ không phải do khai thác cát, vì ở đây không có khu vực cấp phép khai thác cát.

UBND huyện Lắk sau đó đã chỉ đạo xác minh, kiểm tra và nhận định nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Krông Nô là do: Hoạt động vận hành của thủy điện, hoạt động khai thác cát, quy luật dòng chảy tự nhiên và yếu tố thời tiết dẫn đến tình trạng xói mòn bề mặt do kết cấu đất dọc bờ sông chủ yếu là đất pha cát dễ bị sạt lở.

W-z4923408647225-a76415009018d6cb28b7ba093fd94268-1-1.jpg
Bờ sông Krông Nô liên tục bị sạt lở gây thiệt hại lớn cho người dân

UBND huyện Lắk đã báo cáo cấp trên, đồng thời tổ chức đối thoại, hòa giải với các hộ dân nhưng không thành vì các bên chưa thống nhất về nguyên nhân gây ra sạt lở.

Chính vì chưa thể xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan gây ra sạt lở, ngập úng nên chưa xác định được trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân có đất bị sạt lở, ngập úng.