- Tại sao Thái Lan đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu đường mà người Thái lại phải tiêu thụ đường đắt hơn người Việt?
Tháng 4/2016, Brazil đã khởi kiện tại WTO để phản đối Thái Lan đã vi phạm các quy tắc hỗ trợ của WTO với hạn ngạch đường và hệ thống giá để đảm bảo giá cao cho đường tiêu dùng trong nước và hỗ trợ chéo đường xuất khẩu. Những chính sách trợ giá của Thái Lan đã khiến cho những cường quốc trong ngành mía đường điêu đứng, khiến cho người dân Thái phải tiêu thụ đường với giá “cắt cổ”, còn ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ thiệt hại ngay trên sân nhà.
Những chính sách hỗ trợ
Có thể nói, chính phủ Thái đã khá mạnh tay khi khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa gạo sang trồng mía bằng cách… chấm dứt chương trình trợ cấp gạo và duy trì giá mía tăng. Thái Lan cho phép mở rộng thêm nhà máy mới, khuyến khích mở rộng vùng nguyên liệu và tăng công suất nhà máy. Tại Thái Lan, đồ uống có ga, trà xanh, cà phê, thức uống tăng lực, sữa chua, sữa đậu nành và nước trái cây sẽ bị đánh thuế dựa trên thành phần đường trong sản phẩm. Thức uống với thành phần từ 6g đến 10g đường trên 100ml sẽ phải chịu một mức tăng giá bán lẻ tăng lên ít nhất 20%. Và những thức uống có nhiều hơn 10g đường sẽ phải chịu mức tăng ít nhất từ 25% trở lên.
Giá mía và đường chủ yếu do chính phủ Thái Lan ấn định theo Đạo luật Mía đường năm 1984, thông qua hệ thống chia sẻ doanh thu 70/30 giữa người trồng mía và nhà máy. Sự hỗ trợ này làm giảm nguy cơ rủi ro của người trồng mía Thái Lan về 0, vì họ được bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào mà họ có thể phải chịu.
Đầu năm 2015, chính phủ Thái Lan phê duyệt một chương trình mới cho Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông thôn (BAAC) cung cấp các khoản vay mềm cho quỹ CSF để chi trả trực tiếp cho nông dân. Đối với thị trường nội địa, chính phủ Thái đã không thay đổi giá đường kể từ khi tăng giá đường quy định lên 25% trong năm 2006 và một lần nữa 32% trong năm 2008 khiến người tiêu dùng Thái Lan phải chịu giá cao.
Chính phủ Thái Lan khá mạnh tay khi khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa gạo sang trồng mía. |
Cách thức mà chính phủ Thái Lan ấn định giá đường trong nước và quản lý hệ thống hạn ngạch thị trường trong nước đôi khi tạo ra động cơ xuất khẩu trái phép nhằm tránh thuế nhập khẩu sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Việt Nam với giá tốt hơn thị trường nội địa, khi giá thế giới cao và trong những năm giảm sản lượng trong nước.
Các tài xế ở Thái Lan hiện đang chuyển sang sử dụng nguyên liệu thay thế là ethanol, Chính phủ Thái Lan cũng quy định một mức giá bán thuận lợi cho Ethanol, thuế xăng dầu tăng trong khi Ethanol được miễn thuế. Điều này khiến tiêu thụ Ethanol tăng lên ở mức cao nhất mọi thời đại là 1.3 tỷ lít, trung bình 3.6 triệu lít/ngày. Mục tiêu của việc đầu tư các sản phẩm cạnh đường như cồn, ethanol, điện, chế phẩm sinh học tái tạo là để hỗ trợ giá đường.
Không đúng cam kết với WTO
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Thái Lan đã đồng ý hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu là 13.760 tấn với thuế suất 65% và thuế suất 94% cho số lượng ngoài hạn ngạch. Thái Lan cũng đồng ý giảm thuế nhập khẩu từ 65% xuống còn 0% vào năm 2016. Tuy nhiên, bất kỳ nhà nhập khẩu đường nào cần phải có giấy phép nhập khẩu từ Hội đồng Mía đường Thái Lan. Điều này nhằm mục đích ghi chép thống kê và nhập khẩu đường trong hạn ngạch dựa trên cơ sở “đến trước phục vụ trước”.
Nước này đã nhập khẩu 129 tấn, 121 tấn và 283 tấn đường tương ứng trong năm 2012, 2013 và 2014. Năm 2015 nhập khẩu đạt 337 tấn. Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (FTA), lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác hiện nay không có thuế. Như vậy lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO và số lượng nhập thực tế là không đúng với cam kết WTO.
Với những chính sách bảo hộ, sản lượng đường trong nước của Thái Lan đã tăng mạnh từ mức 06 triệu/tấn lên 11 triệu/tấn từ năm 2000 đến 2016. Những can thiệp hỗ trợ của chính phủ Thái Lan đã giúp Thái Lan phát triển và vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mía đường, chỉ đứng sau Brazil.
Người dân Thái Lan phải tiêu thụ đường với giá “cắt cổ” |
Vào tháng 3 năm 2015, tại một cuộc họp của Uỷ ban Nông nghiệp Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Australia và EU đã đưa ra các câu hỏi yêu Thái Lan tuân thủ cam kết WTO về chính sách đường của nước này. Đầu tháng 4/16, Brazil đã khởi kiện tại WTO để chính thức phản đối Thái Lan về việc hỗ trợ cho ngành đường. Brazil cáo buộc Thái Lan đã vi phạm các quy tắc hỗ trợ của WTO với hạn ngạch đường và hệ thống giá để đảm bảo giá cao cho đường tiêu dùng trong nước và hỗ trợ chéo đường xuất khẩu.
Dân Thái Lan ăn đường với giá “cắt cổ”
Việc bán đường trong nước của Thái Lan được kiểm soát và hạn chế bằng cách ấn định hạn ngạch hàng năm. Đường sản xuất vượt quá lượng này không thể bán nội địa và phải được xuất khẩu. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn quy định cả giá bán đường và giá mua mía. Như trong niên vụ 2014/15, Chính phủ Thái Lan ấn định giá đường bán tại nhà máy (chưa bao gồm các chi phí vận chuyển, bán hàng, chiết khấu…) ở mức 23bath/kg (tương đương 16.000 VNĐ) - cao hơn 30% so với giá thị trường thế giới tại thời điểm lúc bấy giờ. Riêng về giá mía, Thái Lan ấn định giá mía tối thiểu hàng năm cho người trồng mía. Nếu giá đường cuối cùng cao hơn dự đoán, các nhà máy phải trả một phần của khoản chênh lệch cho người trồng mía.
Mặc dù hỗ trợ ngành mía đường đến “tận răng”, nhưng người dân Thái Lan lại phải tiêu thụ đường với giá “cắt cổ” bởi chính sách trợ giá chéo của Thái Lan chính là hình thức bù xuất khẩu với giá thấp. Chính sách này của chính phủ Thái Lan chính là hòng tiêu diệt ngành công nghiệp mía đường của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nếu thành công, người Thái sẽ là “bá chủ” của ngành mía đường thế giới. Khi đã “thôn tính” được ngành mía đường thế giới, có khả năng Thái Lan sẽ nâng giá đường xuất khẩu lên cao để thu về lợi nhuận. Thiệt thòi cuối cùng chính là người tiêu dùng, nhất là đối với các nước không còn được bảo trợ ngành mía đường như Việt Nam.
Hoàng Trang