1. Dân tộc nào đông thứ hai ở Việt Nam?

  • Mường
  • Tày
  • Thái
  • H'Mông
Chính xác

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, người Tày (còn gọi là người Thổ) ở Việt Nam có khoảng 1,85 triệu người, là dân tộc đông thứ 2 tại Việt Nam sau dân tộc Kinh - khoảng 82 triệu người.

Xếp sau đó là dân tộc Thái với khoảng 1,82 triệu người; dân tộc Mường với khoảng 1,45 triệu người và dân tộc H’Mông với khoảng 1,39 triệu người…

Hiện nay, người Tày có mặt ở tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước.

2. Dân tộc này chủ yếu sinh sống ở đâu?

  • Vùng núi Đông Bắc
  • Vùng núi Tây Bắc
  • Tây Nguyên
  • Nam Trung Bộ
Chính xác

Người Tày chủ yếu sinh sống tại vùng núi Đông Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn... Thời gian gần đây, nhiều người Tày còn di cư tới một số tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk và Lâm Đồng.

Người Tày thường tập trung cư trú thành bản ở ven các thung lũng, triền núi thấp. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà, bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Ngôi nhà truyền thống của người Tày thường là nhà sàn, mái lợp tranh hoặc ngói.

3. Người Tày tập trung nhiều ở tỉnh nào?

  • Lạng Sơn
  • Cao Bằng
  • Bắc Kạn
  • Tuyên Quang
Chính xác

Theo điều tra dân số năm 2019, người Tày ở Lạng Sơn chiếm 35,4% dân số toàn tỉnh và 31,5% tổng số người Tày tại Việt Nam với khoảng 282.000 người. Xếp sau đó là Cao Bằng với 216.000 người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh và 25,2% tổng số người Tày tại Việt Nam.

Tại Bắc Kạn, dù chỉ có khoảng 150.000 người thuộc dân tộc này nhưng cũng chiếm hơn một nửa dân số trong toàn tỉnh.

4. Trang phục cổ truyền của người Tày là gì?

  • Áo cóm, váy đen
  • Áo chàm/ đen
  • Áo dài
  • Áo tứ thân
Chính xác

Trang phục của người Tày tương đối đơn giản, sử dụng màu chàm/đen là phổ biến. Bộ y phục cổ truyền được làm từ vải bông tự dệt, hầu như không có hoa văn giống trang phục của các dân tộc thiểu số khác.

Phụ nữ Tày thường mặc áo dài đến bắp chân, quấn thắt lưng để thả dài theo tà áo. Trang sức đi kèm là xà tích, vòng ở cổ, tay, khuyên tai… chủ yếu bằng bạc.

Trong khi áo chàm của nam giới Tày có hai loại là áo ngắn cài cúc dọc theo ngực, có hai túi và áo dài năm thân, cổ tròn đứng, cài cúc vải sát cổ phía trái và cạnh bên trái. Trang phục của nam giới không có thắt lưng mà để thân áo xuôi theo dáng người tạo nét khỏe khoắn, mạnh mẽ.

5. Loại nhạc cụ nào có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của người Tày?

  • Đàn nhị
  • Đàn tính
  • Đàn hồ
  • Đàn bầu
Chính xác

Đàn tính là loại nhạc cụ có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Tày. Với người dân tộc này, chiếc đàn tính cùng điệu hát Then là một phần không thể thiếu trong đời sống.

Cây đàn tính gồm ba bộ phận chính là bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Vì vậy, kích thước phụ thuộc vào quả bầu lớn nhỏ khác nhau. Để có độ vang, âm sắc chuẩn, người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều.

Một cây đàn tính hát Then thường có ba dây. Theo người dân tộc Tày, ba dây này tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước.