NSƯT Đăng Dương là cái tên quá quen thuộc với dòng nhạc thính phòng, nhạc Đỏ. Cùng với Trọng Tấn, Việt Hoàn, anh nhanh chóng khẳng định tên tuổi, chỗ đứng trong làng âm nhạc hàn lâm, kén người nghe.
Đi theo dòng nhạc thính phòng đã hơn 20 năm, để có được chỗ đứng như hiện tại, NSƯT Đăng Dương đã phải tự trau dồi, thay đổi và lắng nghe bản thân, lắng nghe khán giả. Anh cũng tự tìm sự khác biệt cho bản thân trong cách hát. Hiện tại, nam ca sĩ thuộc biên chế của Đài tiếng nói Việt Nam.
Cái tên Đăng Dương cũng gắn liền với chương trình hòa nhạc Điều còn mãi nhiều năm qua. Sau hơn 10 năm chương trình ra mắt, anh vẫn vô cùng háo hức để được đứng trên sân khấu Điều còn mãi.
'Điều còn mãi' mang quá nhiều ý nghĩa
- Anh tham gia 'Điều còn mãi' đã rất nhiều lần và sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch bệnh, trở lại chương trình năm nay có ý nghĩa thế nào với anh?
Điều còn mãi là một trong những chương trình mà tôi rất yêu thích bởi tôi sẽ được hát với dàn nhạc giao hưởng - dàn nhạc tôi yêu thích và đam mê. Qua 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, tôi cảm thấy rất vui khi chương trình tiếp tục quay trở lại thực hiện trực tiếp. Tôi thấy Điều còn mãi là một chương trình thực sự ý nghĩa. Chúng ta nên duy trì hàng năm.
Như một điều ngẫu nhiên, một chương trình bản thân mình chờ đợi trong một thời gian dài được quay trở lại trực tiếp nên tôi ở tâm thế rất hào hứng tham gia. Trong năm nay, tôi cũng vinh dự và hạnh phúc khi được hát 2 tác phẩm. Thường thì nghệ sĩ trong chương trình Điều còn mãi chỉ hát 1 tác phẩm thôi nhưng năm nay tôi được hát 2 tác phẩm nên niềm hào hứng và niềm vui cũng nhân đôi. Tôi nghĩ bản thân sẽ có nhiều năng lượng để truyền tải 2 tác phẩm đó vào chương trình trong 2/9 sắp tới.
- Năm nay anh muốn mang lại sự khác biệt gì so với những năm trước mình đã tham gia chương trình?
Tôi nghĩ, những bài hát đi cùng năm tháng trong dòng nhạc của tôi vẫn sẽ như thế, không có quá nhiều sự đặc biệt. Điều đặc biệt ở đây đó là sự hào hứng vì tôi phải chờ đợi 2 năm để được hát trên sân khấu Điều còn mãi. Điều đó sẽ khiến nhiệt huyết và cảm xúc của tôi cũng như những anh chị em nghệ sĩ khác sẽ tăng lên rất nhiều. Mỗi lần đứng trên sân khấu, hát cùng dàn nhạc là một lần tôi thăng hoa theo cách riêng biệt. Âm nhạc cứ vang lên tôi sẽ lại cháy hết mình.
- Hai tác phẩm trong chương trình năm nay có gây khó dễ cho anh khi hát chung với dàn nhạc?
Năm nay, tôi hát 2 tác phẩm Người là niềm tin tất thắng của nhạc sĩ Chu Minh và Em có nghe âm thanh ngày mới của nhạc sĩ Nguyễn An.
Bài Âm thanh ngày mới lần đầu tiên được biểu diễn trong Điều còn mãi. Tuy nhiên, trước đó, tôi cũng hát bài này rất nhiều lần rồi. Nhưng lần đầu tiên hát với dàn nhạc giao hưởng, tôi nghĩ bài hát cũng sẽ có phần đặc biệt và mang lại nhiều cảm xúc.
Tôi cũng sẽ kết chương trình với bài Người là niềm tin tất thắng. Thường mở đầu hay kết thúc chương trình, ban tổ chức sẽ chọn những tác phẩm mang tính chất ngợi ca hát với hợp xướng để cho thấy sự đầu tư hoành tráng. Dùng tác phẩm quá nổi tiếng về Bác để kết một chương trình như vậy tôi thấy rất ý nghĩa. Tôi có rất nhiều cảm xúc, vừa mong chờ luyện tập, vừa có nhiều năng lượng. Tôi cũng hy vọng tác phẩm sẽ là một cái kết rất đẹp cho chương trình.
- Năm nay chương trình sẽ có những nhân tố rất trẻ tham gia, anh có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi thấy năm nay có bạn Mỹ Anh tham gia chương trình là một điều rất hay. Tôi nghĩ hội đồng ban cố vấn đã đưa những gương mặt mới vào chương trình họ phải lựa chọn cẩn thận và có lý do. Nhưng nhìn chung lại đó đều phải là những gương mặt có tài năng chứ không đơn giản bởi hát với dàn nhạc sẽ rất khác.
Với tôi, Mỹ Anh là một cô bé tài năng, con nhà nòi. Tôi nghĩ, cô bé sẽ có nhiều thứ đáng khoe trong chương trình. Và với sự xuất hiện của một người trẻ như vậy trong một chương trình ca nhạc mang tính hàn lầm sẽ khiến chương trình thêm lạ và thú vị phần nào.
- Là một người có nhiều kinh nghiệm hát với dàn nhạc, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khi hát cùng dàn nhạc?
Với kinh nghiệm của mình, tôi chỉ biết nói rằng, khi hợp tác cùng dàn nhạc, các bạn trẻ có lẽ sẽ thấy choáng ngợp. Tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ khi hát cùng dàn nhạc những lần đầu tiên.
Hát với dàn nhạc giao hưởng nó sẽ rất khác với hát cùng ban nhạc, vì hát cùng ban nhạc có trống, có nhịp, còn nhạc giao hưởng có sự co giãn rất lớn. Chúng ta phải theo cảm xúc và theo tay của chỉ huy, phải nghe nhiều thì mới kết nối được với dòng cảm xúc.
Với các bạn trẻ, tôi nghĩ cũng không có cách nào khác ngoài việc tập làm quen dần, lắng nghe dàn nhạc. Thời gian tập có lẽ cũng rất quan trọng. Những người mới làm quen với dàn nhạc sẽ phải mất nhiều thời gian hơn so với những người đã có kinh nghiệm.
- Anh có vui mừng khi hiện tại giới trẻ quan tâm và yêu thích âm nhạc hàn lâm kén người nghe như vậy?
Khi xã hội phát triển, những dòng nhạc nhẹ, trẻ trung phù hợp với giới trẻ sẽ được để ý nhiều hơn. Tuy nhiên, những chương trình như Điều còn mãi cũng mang ý nghĩa chính trị rất sâu sắc. Chúng ta cần cố gắng gìn giữ chương trình này vì nó rất ý nghĩa không chỉ với những người yêu thích đam mê dòng nhạc này mà còn để giới trẻ có thể nhìn, nghe những tác phẩm đã đi cùng năm tháng. Không chỉ nghe, họ cũng sẽ hiểu được về lịch sử, về sự ra đời của các tác phẩm ý nghĩa. Ngoài những tác phẩm đi cùng năm tháng, chúng ta cũng xen kẽ những tác phẩm mới để hài hòa và hay hơn, thu hút giới trẻ nhiều hơn.
Bà xã luôn ủng hộ tôi trên mọi mặt trận
- Bà xã ủng hộ anh như thế nào trong con đường sự nghiệp?
Vợ tôi luôn hiểu được âm nhạc là một phần máu thịt của tôi nên cô ấy luôn ủng hộ hết mình. Hiện tại, tôi nghe và luyện ở nhà trước khi tập cùng dàn nhạc. Cô ấy luôn bên cạnh chăm sóc tỉ mỉ để tôi có sức khỏe tốt, giọng hát tốt. Ngoài ra, là một người hiểu rõ giọng hát của chồng nên cô ấy cũng nghe và góp ý cho tôi những điều cần thiết.
- Sau 20 năm về chung nhà, bí quyết giữ gìn hôn nhân hạnh phúc của anh chị là gì?
Thực ra, tôi nghĩ một cuộc hôn nhân được bền vững và hạnh phúc thì phải có sự tin tưởng, thấu hiểu giữa hai vợ chồng. Bà xã tôi cũng làm nghệ thuật nên hiểu những khó khăn, nhạy cảm khi làm nghề. Đó là một trong những chìa khóa quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Vợ tôi đã hy sinh đam mê ca hát lui về hậu phương để trở thành một người phụ nữ tuyệt vời của gia đình.
Nếu cả hai cùng làm nghệ thuật có lẽ gia đình tôi khó chu toàn được khi lo cho các con. Vợ tôi là người hiểu được điều đó nên cô ấy quyết định nghỉ hẳn ca hát với tâm thế thoải mái, không ép buộc. Những năm qua, vợ là người đồng hành với tôi trên mọi ‘chiến trường’, đi gần hay đi xa tôi đều có cô ấy lo cho rất chu đáo. Đó là điều quý giá nhất với tôi.
- Nhiều người nhận xét anh rất tôn trọng và nghe lời vợ, điều đó có đúng?
Nghe lời vợ là tốt chứ sao! (cười). Tôi thay đổi rất nhiều kể từ khi yêu và lấy bà xã, từ cách sống, cách nói chuyện, ăn mặc thậm chí cả cách hát. Bà xã là người luôn góp ý cho tôi những điều cực kỳ quan trọng bởi cô ấy là một khán giả khó tính. Thành công của tôi hiện tại có được cũng nhờ vợ rất nhiều.
Tròn 20 năm bên nhau, tôi chỉ biết cảm ơn bà xã rất nhiều bởi cô ấy đã hi sinh đam mê của mình, làm hậu phương vững chắc để tôi có thể chuyên tâm với đam mê.
- Bà xã anh có sở thích làm đẹp, múa hát và rất chăm chỉ đăng mạng xã hội, anh cảm thấy sao về điều đó?
Tôi rất tôn trọng những sở thích đó của cô ấy, thậm chí khuyến khích vợ tham gia. Những lúc rảnh, tôi luôn đưa vợ đi học múa. Thứ nhất, cô ấy sẽ có sức khỏe khi tập luyện những bộ môn mình yêu thích. Thứ hai là tôi thấy vợ vui lắm. Mỗi lần đi tập về đều thấy cô ấy vui vẻ, tinh thần thoải mái. Không có lý do gì để tôi không khuyến khích vợ tham gia những sở thích cá nhân đó cả. Đó là những sở thích lành mạnh, tốt cho sức khỏe.