Không ai nghi ngờ việc Fidel ủng hộ Việt Nam khi ông đã phát biểu những điều gan ruột giữa một biển người tại Quảng trường Cách mạng, nhưng cũng sẽ không có nhiều người hiểu được vì sao Fidel phải nói ra như vậy trong thời điểm ấy…
LTS- Tuần Việt Nam xin đăng tải lại bài viết của nhà báo Lý Văn Sáu (tên khai sinh Nguyễn Bá Đàn, 1924-2012) nguyên là Phó Trưởng phái đoàn đại diện thường trú Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Cuba như một tư liệu suy ngẫm. Bài viết được đăng với sự cho phép của gia đình tác giả.
Tháng 6/1962, khi đang làm Vụ phó Vụ Báo chí (Ban Tuyên huấn Trung ương), tôi được cử sang Cuba làm Phó Trưởng đoàn đại diện thường trú của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (Mặt trận). Kể từ khi thành lập ngày 20/12/1960, Cuba là nước đầu tiên trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao Mặt trận.
Hai năm sau, tức tháng 7/1962, Cuba lại là nước đầu tiên tiếp nhận Phái đoàn đại diện thường trú của Mặt trận với đầy đủ quy chế của một cơ quan ngoại giao. Thật ý nghĩa khi cơ quan đại diện đầu tiên của Mặt trận ở nước ngoài lại được đặt tại một nơi rất xa Việt Nam và cũng lại rất gần nước Mỹ…
Tình hữu nghị của Cuba dành cho Việt Nam
Khi có mặt ở Cuba, tôi và các thành viên trong phái đoàn đại diện thường trú đã được chứng kiến sự ra đời và phát triển rộng khắp của phong trào toàn quốc ủng hộ nhân dân Việt Nam. Trên đất bạn, từ cuối thế kỷ 18, người dân Cuba đã biết đến Việt Nam khi người anh hùng Cuba Hose Marti từng viết bài báo “Một cuộc dạo chơi trên đất của những người An Nam” để nói lên sự anh dũng của những người dân Việt Nam khi họ kiên cường vùng lên chống lại sự thống trị, áp bức của thực dân Pháp.
Chủ tịch Fidel Castro |
Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, cái tên “Việt Nam” lại càng được người dân Cuba biết đến nhiều hơn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…. Trên đất nước Cuba đã xuất hiện những trường học mang tên Bác Hồ, nhà máy Võ Thị Sáu, hoặc ngôi làng mang tên gọi Bến Tre… Chỉ cần vừa ra khỏi sân bay quốc tế ở Thủ đô La Habana, chúng ta đã có thể gặp ngay con đường mang tên Nguyễn Văn Trỗi, đi một lúc nữa lại gặp vườn hoa Hồ Chí Minh,… chưa kể rất nhiều nhà máy, trang trại, công trường mang những tên gọi Việt Nam.
Tại nhiều khu phố, làng quê, phía bạn đã tổ chức các hoạt động hữu nghị thu hút quần chúng dưới nhiều hình thức thông qua các cuộc mít tinh, nói chuyện về Việt Nam. Có lần, phía bạn mời chúng tôi đến nói chuyện tại trại tù binh là những lính đánh thuê Mỹ bị bắt sống trong cuộc đổ bộ lên bãi biển Hiron ngày 17 tháng 5 năm 1961.
Lần khác, bạn tổ chức cuộc chạy mang tên “Vì Việt Nam” trong chặng đường dài hơn 800 km từ Thủ đô La Habana tới thành phố Santiago de Cuba (nơi có pháo đài Moncada). Hàng trăm người đã thay nhau chạy bộ suốt ngày đêm, vừa chạy vừa mang theo quốc kỳ Cuba và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mỗi lần đoàn dừng lại ở các làng quê, chúng tôi lại đứng ra tổ chức nói chuyện với người dân địa phương.
Trong thời gian 4 năm công tác ở Cuba, tôi cũng đã có điều kiện đi tới tất cả các đơn vị quân đội và 10 tỉnh, thành phố của nước bạn. Những năm đó, các đơn vị cấp tiểu đoàn của quân đội Cuba đều tổ chức các buổi mít tinh ủng hộ và nghe nói chuyện về Việt Nam.
Ngoài ra, hình ảnh Việt Nam còn được nhắc đến trong các cuộc thi người đẹp. Hàng năm nước bạn vẫn thường tổ chức các cuộc thi sắc đẹp để tìm ra hoa hậu, trong số những câu hỏi kiểm tra kiến thức các thí sinh dự thi có cả những câu hỏi liên quan đến Việt Nam như: Bạn biết gì về tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam? Nguyễn Hữu Thọ là ai? Anh hùng Núp ở đâu?…
Đằng sau câu nói nổi tiếng của Fidel
Có một kỉ niệm khó quên với tôi trong thời gian công tác ở Cuba, đó là lần tôi được trực tiếp chứng kiến câu nói của lãnh tụ Fidel, câu nói mà sau này chúng ta vẫn thường hay nhắc tới mỗi khi nói về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Cuba.
Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại nguyên văn câu nói của Fidel khi đó là: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của chính mình”, trong đó hai từ được ông nhấn mạnh là “đến cả” và “chính mình”. Chủ tịch Fidel đã tuyên bố câu nói ấy tại cuộc mít tinh có sự tham dự của hơn 1 triệu người tại quảng trường Cách mạng ở Thủ đô La Habana.
Trước đó, nhiều lần Fidel đã nói: “Việt Nam chiến đấu không phải vì Việt Nam mà còn vì Cuba, vì nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới”. Là nhân chứng có mặt tại cuộc mít tinh ấy đúng 45 năm trước, tôi và tất cả những người Việt Nam có mặt hôm đó đã trào dâng một niềm tự hào, xúc động. Khi Fidel vừa dứt câu tuyên bố mạnh mẽ ấy, cả quảng trường Cách mạng như vỡ òa bởi những tiếng hò reo và tràng pháo tay của những người tham dự…
Câu nói của người đứng đầu nhà nước Cuba đã biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết với nhân dân Việt Nam, lại diễn ra đúng vào thời điểm Cuba kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang cách mạng, 13 năm Chiến thắng Moncada (26/7/1966) và sau khi Hội nghị đoàn kết với nhân dân các nước Á-Phi-Mĩ Latinh vừa bế mạc tại Thủ đô La Habana…
Hồi đó, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Cuba dự hội nghị là đồng chí Trần Danh Tuyên – ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, còn trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đồng chí Trần Văn Thành – Ủy viên Mặt trận.
Ngay chiều hôm sau, lãnh tụ Fidel cho mời hai Trưởng đoàn đại biểu của miền Nam và miền Bắc Việt Nam tới gặp riêng. Tôi cũng được dự vì là phiên dịch cho hai đồng chí Trưởng đoàn. Fidel tiếp ba chúng tôi tại Cung Cách mạng. Cuộc gặp trở thành một sự kiện lịch sử mà giờ đây tôi trở thành nhân chứng sống duy nhất, và có lẽ rất ít người biết tới nội dung cuộc trò chuyện mà Fidel đã dành riêng cho chúng tôi chiều hôm ấy…
Mở đầu cuộc gặp, Chủ tịch Fidel nói: “Hôm nay tôi gặp các đồng chí để giải thích vì sao trong cuộc mít tinh ngày hôm qua, tôi lại nói rằng: ‘Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình’. Tôi nói ra câu ấy trước hết là vì tình đoàn kết vô điều kiện mà chúng tôi dành cho nhân dân Việt Nam và thể hiện quyết tâm của chúng tôi luôn luôn ủng hộ các đồng chí trong cuộc đấu tranh chống Mỹ.
Thứ hai, bối cảnh hiện nay buộc tôi phải nói ra như vậy bởi trong năm 1966 Cuba đã được Trung Quốc cam kết cung cấp gạo, món lương thực chủ yếu của chúng tôi, nhưng đến gần thời điểm này (tháng 7/1966), phía Trung Quốc lại thông báo rằng năm nay Trung Quốc vì phải dành gạo cho Việt Nam nên không có gạo cho Cuba. Hai bên trước đó đã thỏa thuận rồi, vậy mà giờ đây Trung Quốc lại tuyên bố như vậy. Quyết định này của Trung Quốc thực sự đã làm khó chúng tôi vì giờ đây chúng tôi làm thế nào tìm ra kịp đối tác để mua hoặc xin viện trợ?
Tôi biết sự việc không hẳn như những gì họ giải thích, còn nếu quả thực là vì Việt Nam thì chúng tôi sẵn sàng nhịn đói để nhân dân Việt Nam có gạo mà chiến đấu, thậm chí chúng tôi còn sẵn sàng hiến dâng tới cả máu của chính mình”.
Cuộc trò chuyện với Chủ tịch Fidel hôm ấy đã làm cho chúng tôi hiểu ra một điều: Lãnh tụ Fidel đã thể hiện sự bất bình trước thái độ của Trung Quốc trong quan hệ với Cuba mà nguyên nhân sâu xa chính là do tại thời điểm đó, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đang căng thẳng và có nguy cơ dẫn tới xung đột.
Thái độ của Trung Quốc là một áp lực đối với Cuba, trong khi Cuba vẫn duy trì mối quan hệ khăng khít với Liên Xô, điều làm cho Trung Quốc không “bằng lòng”, và họ đã dùng viện trợ như một sự mặc cả, một biện pháp hòng ép lập trường của nước nhận viện trợ thay cho sự giúp đỡ vô tư, trong sáng mà trước đó họ vẫn duy trì với Cuba.
Tôi muốn đem câu chuyện này ra kể lại vào thời điểm hiện nay khi Trung Quốc đang có những hành xử ngang ngược tại khu vực thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Đã qua 45 năm kể từ ngày Fidel nói lên câu nói bất hủ, hiện cả hai đồng chí trưởng đoàn cùng dự trong cuộc gặp năm ấy đều đã mất, chỉ có duy nhất mình tôi là người còn sống trong số những nhân chứng từng có mặt trong sự kiện lịch sử ấy, vì vậy tôi thấy mình cần nói ra một cách đầy đủ những gì diễn ra quanh câu nói của Fidel.
Không ai nghi ngờ việc Fidel ủng hộ Việt Nam khi ông đã phát biểu những điều gan ruột giữa một biển người tại Quảng trường Cách mạng, nhưng cũng sẽ không có nhiều người hiểu được vì sao Fidel phải nói ra như vậy trong thời điểm ấy…
Lý Văn Sáu
Hà Nội, 07/07/2011
Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)