Dựa trên báo cáo từ VAMA và Hyundai Thành Công, có thể nhận định thị trường ô tô Việt Nam đã bước vào giai đoạn tăng tốc bán hàng, nhờ tăng trưởng tới 21/% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, xe nhập khẩu tăng rất nhanh, đã đạt lượng tiêu thụ 113.155 xe sau 6 tháng của năm 2019, tăng trưởng tới 34,6%. Trong khi đó xe lắp ráp lại sụt giảm nhẹ 1,5%.
Tuy vậy, sự lên ngôi của xe nhập khẩu lại đang có xu hướng cục bộ, chỉ tập trung vào một số mẫu xe đang “hot”. Điển hình như ba mẫu xe lọt Top 10 xe bán chạy tháng 6/2019 là Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Honda CR-V đều có lượng tiêu thụ rất tốt. Ở chiều ngược lại, trong danh sách 10 xe bán “ế” có tới 9 mẫu xe nhập khẩu và duy nhất một mẫu lắp ráp (Nissan Sunny).
Danh sách ô tô “ế” tại Việt Nam trong tháng 6/2019 |
Những chiếc xe có lượng tiêu thụ èo uột như trên, thuộc cả thương hiệu mạnh như Toyota, Mitsubishi, Nissan, Ford, Kia.... Chúng có lượng bán khiêm tốn, thậm chí quá ít so với các đối thủ.
Điển hình phải kể đến mẫu Isuzu D-Max của thương hiệu chuyên xe tải Nhật Bản. Đây là chiếc bán tải thừa kế công thức chế tạo khung gầm cũng như động cơ mà Isuzu tự hào đã tôi luyện qua thực tế phát triển mạnh ở mảng xe tải. Thế nhưng khi bán tại Việt Nam, doanh số mảng xe du lịch, xe con luôn thấp hơn xe tải, dù cùng mang tên Isuzu.
Isuzu D-Max đang loay hoay với doanh số trong khi các đối thủ đều có lượng bán tốt |
Việc Isuzu có tên trong bảng xe “ế” không còn lạ, dù hãng xe này đã tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, tách rời mảng xe tải và xe con. Hai mẫu D-Max và mu-X vẫn thay phiên nhau “ngụp lặn” ở bảng danh sách ít người muốn điền tên này. Tháng 6 vừa qua, Isuzu D-Max chỉ bán được 14 chiếc, tổng cả 6 tháng bán nhỉnh hơn 200 chiếc, chưa bằng con số lẻ của đối thủ Ford Ranger (bán gần 5.500 xe). Trong khi so về giá thì Isuzu D-max khá cạnh tranh, bản 1 cầu 650 triệu đồng, nhưng vì ít khuyến mãi cũng như hệ thống đại lý nên khó cạnh tranh với Ford, Toyota, Mitsubishi.
Suzuki đang là cái tên nổi vài tháng nay vì sự kiện tung ra mắt thị trường mẫu MPV cỡ nhỏ Ertiga. Quả thực, phân khúc MPV cỡ nhỏ đang rất thành công nên chỉ trong tháng đầu ra mắt (tháng 6/2019), Suzuki Ertiga đã bán được 95 xe, đủ để tạm tự tin hơn so với thế hệ cũ luôn trong tình trạng “ế ẩm”. Tuy nhiên, Suzuki Ertiga chỉ là điểm sáng hiếm hoi bởi Top 10 xe “ế” tháng 6/2019 có tới 3 đại diện đến từ hãng Suzuki. Suzuki Ciaz, Celerio và Swift chia nhau ở các vị trí 5, 8 và 10. Cả nửa đầu năm 2019, lượng tiêu thụ của 3 mẫu xe này cũng chẳng khá khẩm hơn. Chưa chiếc nào đạt mốc 1.000 xe sau 6 tháng.
Là mẫu sedan cỡ D cạnh tranh trong phân khúc không quá nhiều đối thủ, nhưng Kia Optima vẫn chưa thể có chỗ đứng dù xuất hiện khá lâu. Trong tháng 6 vừa qua, chiếc xe này là đại diện duy nhất của Trường Hải (Thaco) nằm trong Top xe “ế” với 57 xe bán được, xếp ở vị trí số 6. Đây cũng là mẫu Kia nhập khẩu duy nhất còn lại của Thaco sau khi chuyển sang lắp ráp phần lớn xe du lịch mang nhãn hiệu Kia. Kia Optima có 3 phiên bản giá từ 789 triệu đến 949 triệu đồng, rẻ hơn so với đối thủ Toyota Camry và ngay cả Mazda6 “cùng nhà”, nhưng suốt nhiều năm vẫn chưa thể thoát Top “ế”.
Cũng nằm trong Top xe “ế” tháng 6/2019 với vai trò xe nhập khẩu, nhưng Ford Explorer lại ở một vị thế khác. Chiếc SUV cỡ lớn của Ford thuộc phân khúc xe cao cấp, giá hiện hơn 2,2 tỷ đồng nên việc trung bình mỗi tháng tiêu thụ 80 chiếc đã là thành công, vượt cả Toyota Land Cruiser Prado.
Với lượng bán thấp và có khách hàng đặc thù, Toyota Alphard có thể biến mất giống cách mà Honda Odyssey đã rút lui khỏi Việt Nam |
Một ví dụ khác cho việc đứng vào danh sách xe “ế” như một thủ tục lấy lệ, không đặt nặng doanh số và có thể biến mất bất cứ lúc nào (bỏ bán) là Toyota Alphard. Chiếc MPV hạng sang của Toyota có giá bán lên tới hơn 4 tỷ đồng, không thuộc lựa chọn số đông. Giới phân tích nhận định với lượng tiêu thụ suốt hai năm qua chưa bao giờ vượt qua 50 chiếc thì Toyota Alphard rất dễ đi theo chân “đồng hương” Honda Odyssey nghỉ bán tại Việt Nam.
Trong bảng danh sách xe “ế’ tháng 6/2019, khá bất ngờ là có tới 2 cái tên của hai thương hiệu khá mạnh là Toyota và Mitsubishi. Mẫu Toyota Avanza chỉ bán được 68 xe, đứng vị trí số 9 và Mitsubishi Mirage bán 58 xe, ở vị trí số 7.
Toyota Avanza đang có dấu hiệu xuống sức trước đối thủ Mitsubishi Xpander |
Trái ngược với Toyota Rush đã bứt phá tốt trong những tháng gần đây thì Avanza lại đi xuống, cả 6 tháng bán chưa chạm mốc 500 xe. Giới kinh doanh cho rằng Toyota Avanza là lựa chọn hơi thừa của Toyota khi đưa về Việt Nam. Cùng cấu hình 7 chỗ, Toyota Avanza (giá 537 triệu 593 triệu đồng) bị cạnh tranh mạnh bởi Mitsubishi Xpander (giá 550 triệu và 620 triệu đồng), đồng thời cũng bị ngay chính Toyota Rush dễ cướp mất khách do nhỉnh hơn không quá nhiều tiền.
Đối với Mitsubishi Mirage, chiếc hatchback cỡ B thì bài toán liên tục lọt Top “ế” hiện vẫn chưa có bài giải. Trong 3 năm trở lại đây, chưa năm nào Mitsubishi Mirage vượt ngưỡng tiêu thụ 1.000 xe. Bước vào đợt cao điểm 2019, hiện giá Mitsubishi Mirage đã giảm chạm ngưỡng xe cỡ A (từ 350 đến 395 triệu đồng) nhưng sức mua chưa hề cải thiện.
Đình Quý
Sát Tết, xe ế giảm mạnh, khách lại là thượng đế
Sáu ngày nữa là Tết Kỷ Hợi, thị trường ôtô từ nóng chuyển sang lạnh, giảm nhiệt trông thấy khi nhiều mẫu xe ế tồn đọng. Mẫu xe “hot” hết cảnh “bán bia kèm lạc”. Khách hàng lại được đối xử như thượng đế.