Cụm từ 'thành công chớp nhoáng' đối với các ứng dụng mobile có lẽ đã không còn là trường hợp lạ lẫm đối với các nhà phát triển lẫn giới mộ điệu game mobile cả. Và càng lạ lùng hơn, dường như như gắn liền với cụm từ này thì các nhà phát triển game indie mới thực sự nổi bật chứ không phải là các công ty tên tuổi. Chỉ cần với một trò chơi có đủ chất gây nghiện cần thiết, họ đã nhanh chóng tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu với thời gian ngắn ngủi, về cơ bản mà nói, điều này khá là phi lý.

Song, cái gì cũng có nguyên nhân của nó, không phải bỗng chốc các trò chơi đó đều 'hóa sao' trên bầu trời App Store mà nó được dung hợp những yếu tố cần thiết nhất từ những thất bại trước đó của các nhà phát triển indie đó. Ở bài viết này, GameSao sẽ mang đến cho bạn cái nhìn tổng quát hơn về sự thành công của những tựa game đã và đang gây sốt trên toàn cầu.

Five Nights at Freddy's

Người phát triển nên tựa game kinh dị này là Scott Cawthon, bạn có thể đã trông thấy tên của anh xuất hiện trên mạng Internet nhưng nếu nói chính xác ra thì anh ấy là một developer đầy bí ẩn. Không rùm beng về những dự án mình định thực hiện, anh chỉ thỉnh thoảng cập nhật hình ảnh, teaser của nó trên website cá nhân của mình (scottcawthon.com) mà thôi. Được biết, sự tương tác gần đây nhất của anh với cộng đồng là tham gia một kênh từ thiện trên stream và đã quyên góp 250.000 USD.

Và, chặng đường để Five Nights at Freddy's trở thành một tựa game hot cũng không mấy đơn giản. Trước đây, anh đã từng cho ra mắt những tựa game như Fart Hotel, Kitty in the Crowd và hàng loạt game casino. Dẫu chưa được chú ý nhiều cho lắm song có vẻ những trò chơi đầu tay này là những bản nháp của anh để tìm kiếm ý tưởng mới mẻ, sáng tạo hơn. Anh tiếp tục trình làng một tựa game platform có tên TNIPB (There is No Pause Button) và dần dần nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng. Với trường hợp của Five Nights at Freddy's, anh đã đúc kết từ những bài học thất bại đây và nghĩ ra cho mình một chiến lược quảng bá hợp lý (tập trung giới thiệu gameplay của nó trên Youtube) để thu hút cộng đồng mạng rồi mới dần dần tung sản phẩm ra đánh chiếm thị trường. Và kết quả thì như chúng ta đã thấy, Five Nights at Freddy's hiện đang là một trong những tựa game được bàn tán xôn xao nhất thời gian gần đây và đã mang về cho Scott một lượng fan khổng lồ.

Crossy Road

Một tựa game 'nhảy lò cò' đơn giản nhưng lại có thể đạt được 1 triệu lượt tải về chỉ ngay trong tuần đầu tiên xuất hiện trên App Store, và đứng sau nó cũng không phải hãng phát triển tên tuổi nào cả mà là Hipster Whale - một hãng game indie được tạo thành bởi hai nhà thiết kế tài năng Matthew Hall và Andy Sum.

Và, nếu bạn đang tự hỏi tại sao trò chơi này lại trở nên "hot" như vậy thì xin trả lời rằng đó là sự góp mặt của Matthew Hall. Nhà phát triển tài ba này trước đây đã sớm có cho mình một trang ứng dụng riêng gọi là KlickTock với hơn 13.000 thành viên cùng nhiều tựa game khá thành công trên thị trường. Có thể kể đến sản phẩm đầu tay của anh là ZONR (2011), một tựa game xếp hình điên rồ nhưng lại nhận được nhiều đánh giá tích cực thời điểm đó. Các sản phẩm khác là Little Things, Doodle Find, Deck War hay Discoverie (trên Oculus) cũng gây được sự chú ý. Phải nói rằng, ông có nhận thức rất tốt về xu hướng phát triển của thị trường game mobile và luôn hòa nhập với dòng chảy của thế giới bằng những sản phẩm hợp thời. Đó cũng là lý do chính khiến Crossy Road có thể dễ dàng mang về cho Hall hơn 1 triệu USD cho mỗi video quảng cáo.

Alto’s Adventure

Nếu như trước đây, Snowman vốn chỉ là một nhóm game indie nhỏ chuyên tạo ra các ứng dụng mobile, một số tựa game đơn giản và chưa được biết đến nhiều thì khi mà dự án Alto's Adventure ra đời, họ bỗng chốc trở thành một hãng phát triển game đầy tiềm năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy còn vướng vào khá nhiều công việc khác nhau song các thành viên của Snowman vẫn kiên trì hết lòng với tựa game này và chỉ cần nhìn thoáng qua giao diện game của Alto's Adventure, bạn cũng sẽ thấy không phải vô cớ mà tựa game trượt tuyết này nhận được nhiều chú ý từ giới mộ điệu game mobile đến vậy.

Trò chơi ban đầu được dự kiến sẽ trình làng trong năm 2013 nhưng mãi đến gần đây mới ra mắt trên iOS. Sự kiên trì và tâm huyết mà họ dành cho đứa con tinh thần này cũng là một trong những nguyên nhân khiến Alto's Adventure xứng đáng để chờ đợi như vậy đấy.

Flappy Bird

Dot Gears studio, hay còn được biết nhiều hơn với cái tên Nguyễn Hà Đông là minh chứng rõ ràng nhất cho cụm từ 'thành công chớp nhoáng' như đã đề cập ở đầu bài viết. Tuy nhiên, cũng phải nói luôn là khi mới tung Flappy Bird lên App Store, bản thân trò chơi vẫn chưa được chú ý nhiều lắm và thậm chí chính anh Đông có lẽ cũng không ngờ tựa game của mình lại có thể gây sốt toàn cầu được như vậy. Như anh Đông đã tiết lộ trước đây, trò chơi này được anh thực hiện chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, không có bất kỳ hình thức quảng bá nào thế nhưng thậm chí có thời điểm, báo chí đưa tin doanh thu quảng cáo mỗi ngày của anh lên tới 50.000 USD.

Vậy, đâu là nguyên nhân chính biến Flappy Bird từ một trò chơi vô danh thành chất gây nghiện số 1 thế giới? "Thành công nhờ mạng xã hội" - Đó là chia sẻ của Hà Đông về cách anh phân phối sản phẩm game của mình ra ngoài. Tận dụng tính hiệu quả và mức độ lan tỏa cao của các phương tiện mạng xã hội, anh bắt đầu chiến lược truyền thông cho Flappy Bird một cách thông minh và quan trọng là được miễn phí. 

“Ngày nay, chỉ cần bạn có 1 sản phẩm tương đối tốt, không cần đầu tư quá lớn cho kênh phân phối, mà cần tìm những công cụ giúp phân phối sản phẩm ra thị trường nhanh nhất, có tính lan tỏa cao trong cộng đồng là bạn đã nắm giữ chìa khóa thành công, cho dù bạn kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực ngành nghề nào đi chăng nữa”, Hà Đông chia sẻ thêm.

Với những ví dụ nổi bật trên đây, hẳn bạn đã biết cách để biến những trò chơi của mình ‘bỗng dưng nổi tiếng’ rồi phải không nào?

T.B